Mổ mắt ở Việt Nam có thể mù vì nhiều ca nhiễm vi trùng cực độc

Đọc báo thấy bài này đáng chú ý, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.



"SÀI GÒN (TH) - Rất nhiều bệnh nhân tới các bệnh viện ở Việt Nam để mổ mắt nhưng có nguy cơ bị mù mà theo báo Lao Ðộng là vì một loại thuốc “chỉ thị màu” nhiễm vi trùng cực độc.



Mới ngày cuối tháng 4 vừa qua, một Việt kiều về Việt Nam mổ mắt, (được mổ ở bệnh viện Mắt Sài Gòn) đã phải quay về Mỹ chữa lại, tốn kém thêm $85,000 USD “để khắc phục hậu quả.”




Bản tin tờ Lao Ðộng ngày Thứ Bảy 5 tháng 6 năm 2010 nói Sở Y Tế thành phố Sài Gòn “đã có văn bản gửi đến tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố có khoa mắt thực hiện việc mổ phaco ngừng sử dụng chất chỉ thị màu Trypan Blue của hãng Khosla, Ấn Ðộ vì chứa trực khuẩn mủ xanh cực độc, gây hàng loạt vụ nhiễm trùng nội nhãn cho bệnh nhân”.



Theo nguồn tin này, Bác Sĩ Lâm Kim Phụng - phó giám đốc bệnh viện Mắt Sài Gòn - cho biết thêm lý do dẫn đến quyết định nói trên. Ngoài 22 bệnh nhân mổ phaco từ ngày 17-22 tháng 5 bị nhiễm trùng ở Sài Gòn đã được phát hiện, có nhiều bệnh nhân đến từ các địa phương khác cũng bị các trường hợp tương tự.



Bản tin nói bệnh viện Mắt Sài Gòn Mắt đã tiếp nhận 3 ca tại An Giang, 2 ca ở Lâm Ðồng và 1 ca ở Campuchia chuyển đến “cũng được xác định dương tính với trực khuẩn mủ xanh kháng thuốc (Pseudomonas Aeruginosa)”.



Tường thuật theo lời trình bày của viên chức bệnh viện, tờ Lao Ðộng cho biết, sự việc xảy ra vào ngày 17 tháng 5 năm 2010, sau khi bệnh viện tiến hành phẫu thuật phaco cho 50 trường hợp thì xuất hiện hai trường hợp nhiễm trùng. Ðến ngày 19 tháng 5 năm 2010, bệnh viện lại phát hiện thêm trường hợp khác cũng có các triệu chứng tương tự như hai ca trước đó - sau khi mổ. Rồi đến ngày 22 tháng bệnh viện này đã xác định có tổng cộng 22 ca sau khi mổ phaco đều bị nhiễm trùng nặng.



Theo lời Bác Sĩ Lâm Kim Phụng “qua xét nghiệm, bệnh viện phát hiện các bệnh nhân bị viêm mủ nội nhãn do nhiễm vi khuẩn Pseudomonas gây ra. Mới đầu, lãnh đạo bệnh viện Mắt nghi ngờ việc nhiễm trùng là do nhiễm trùng bệnh viện thông thường nên đã cùng với Viện Pasteur tiến hành lấy 120 mẫu xét nghiệm các loại và bước đầu nghi ngờ nguyên nhân là chất dùng để chỉ thị màu dùng trong mổ phaco.



Ðến ngày 27 tháng 5, bệnh viện Mắt, Viện Pasteur và bệnh viện Bệnh Nhiệt Ðới lại tiếp tục lấy các mẫu xét nghiệm (trong đó có ba lọ đựng chất nhuộm đánh dấu còn nguyên niêm phong, được xét nghiệm ở ba nơi để đối chứng) để kiểm tra lần nữa.



Kết quả xét nghiệm lần hai của cả ba nơi đều cho giống nhau: Chất chỉ thị màu có vi khuẩn Pseudomonas. Hoạt chất chỉ thị màu hiệu Trypan Blue, loại 0.6 mg/ml, số lô SV 9025 của hãng Khosla, Ấn Ðộ sản xuất có hạn sử dụng đến năm 2011 là nguyên nhân gây nên nhiễm trùng sau mổ. Hoạt chất trên có vi khuẩn Pseudomonas và đây là loại vi khuẩn có độc tính cực mạnh mà các bác sĩ tại nhiều bệnh viện đều sợ vì kháng lại phần lớn các loại kháng sinh.”



Các bệnh viện ở An Giang và Long Xuyên đều xác nhận “đã dùng chính hoạt chất Trypan Blue, loại 0.6 mg/ml của Hãng Khosla, Ấn Ðộ” trong khi giải phẫu.



Theo lời kể của một bệnh nhân tên Huỳnh Thúc Sung - 58 tuổi, cư trú tại Xuân Lộc, Ðồng Nai vừa phát hiện mắt có cườm, ông đã quyết định lên bệnh viện Mắt Sài Gòn để mổ cho “chắc ăn”. Ngày 17 tháng 5, ông được các bác sĩ phẫu thuật phương pháp phaco và sau khi xuất viện “mắt phẫu thuật bắt đầu nhức và mờ dần, rồi không thấy gì. Ông được gia đình đưa trở lại bệnh viện và phát hiện ra đã bị nhiễm trùng bởi vi trùng mủ xanh”.



Bệnh nhân Sung cho biết: “Trước khi phẫu thuật, mắt phải tôi nhìn được 50-60%. Ðến hôm nay (4/6), mắt tôi không còn thấy gì...”



Theo tờ Lao Ðộng, câu hỏi được đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các bệnh nhân trên?



Bác Sĩ Phụng chỉ nói “Trước mắt bệnh viện phải tập trung điều trị cho các bệnh nhân bằng cách xuất kinh phí mua các loại kháng sinh mạnh ngoài danh mục quy định để can thiệp kịp thời.



Bệnh viện đã làm văn bản báo cáo với Bộ Y Tế và Sở Y Tế để xin ý kiến chỉ đạo xử lý trường hợp trên” và tránh né chuyện bồi thường. Trong khi đó, vẫn theo tờ Lao Ðộng “ngành y tế đang chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Y Tế và trong trường hợp kết luận cuối cùng xác định chính xác là do hoạt chất trên thì công ty cấp thuốc phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”.



Ở Mỹ thì bệnh nhân trước tiên kiện ngay bác sĩ và bệnh viện và nếu có bằng chứng đích xác cả thuốc cũng là nguyên nhân, họ kiện luôn cả nhà sản xuất thuốc, không phải đợi “chỉ thị của ngành Y tế”. (T.N.). "




( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=113903&z=157 )





Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/12295142

Comments

Popular posts from this blog

London – Xứ sở diễm lệ

12 Top-Rated Tourist Attractions in Tokyo

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình