Về Tràm chim mùa nước nổi

Trời mưa rỉ rả. Nước lũ lên cao. Điều đó càng hấp dẫn du khách tìm tới vườn quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp). Ở đó có gì hay?

Giám đốc Trung tâm du lịch Tràm Chim Đặng Văn Chuyên ra vẻ bí mật: Cứ đi rồi biết. Đảm bảo toàn “hàng độc”.
Chúng tôi thuê tắc ráng đi ngang qua thị trấn Tràm Chim, xé nước thẳng hướng vô khu A2, nơi có rừng tràm xanh mượt xa xa.

Hòa quyện hương rừng

Cánh đồng hai bên trước đây là lúa, nay một màu trắng xóa của biển nước. Cả bờ kênh ranh cũng ngập lút, chỉ còn hàng cây tràm ven bờ báo hiệu chỗ gò cao. Nhìn vô rừng tràm rậm rạp, dày đặc nhưng anh Trần Văn Út Nhỏ - tài công tắc ráng - nói “mình sẽ đi xuyên qua đó” làm ai nấy giật mình, pha lẫn chút hồi hộp.

Trời vẫn mưa lắc rắc. Mọi người phải chia nhau trùm tạm cái áo mưa cho đỡ lạnh. Rừng tràm hiện ra càng gần. Đã thấy mấy chú cò trắng đậu đơn lẻ trên đám cỏ khô nổi lềnh bềnh. Trước mũi tắc ráng, thỉnh thoảng lại có anh cò lửa mồng đỏ chót đập cánh bay phần phật, miệng kêu oang oác. Bỗng một bầy cồng cộc bay lả lướt theo bìa rừng rồi đậu lên nhánh cây giương mắt nhìn khách lạ. “Chim kìa, đã quá!”, mấy du khách thích thú reo ầm, nhưng Út Nhỏ nói: “Chưa đâu. Vô tuốt trong trỏng mới thấy sướng”. Trên mặt nước, đám cỏ bắc ngày càng dày đặc. Cỏ quấn cứng ngắc chân vịt, cái máy kêu “ục, ục” mấy tiếng rồi ngưng bặt. Út Nhỏ phải gác chân vịt, lấy cây sào dài chống “bộ” vô rừng.

Rừng tràm thật dày. Chiếc tắc ráng len lỏi đi qua những thân tràm một cách khó khăn. Út Nhỏ chống sào sau lái, Trần Đại - người hướng dẫn đoàn - lui cui trước mũi vẹt đám tràm bù xù lúc nào cũng thò ra như “cản địa”. Mặc cho hai anh toát mồ hôi vật lộn với đám tràm, nhóm du khách vô tư ngắm nghía những bông tràm nở trắng xóa, với tay hái lá tràm vò nát đưa lên mũi ngửi mùi hương thơm nồng.

Mùa nước nổi, vô rừng tràm ngồi trên tắc ráng, mực nước cao hơn 3m đã “đẩy” mọi người lên tới lưng chừng thân cây nên ai cũng có thể sờ mó, lúc lắc cây, hái bông tràm, tận mắt ngắm nghía, chụp hình và hòa mình vào hương rừng ngập tràn bao quanh.

“Đất” lành

Len lỏi chừng một giờ thì tới một quãng rừng trống. Út Nhỏ “suỵt” mọi người im lặng để nghe ngóng. Lẫn trong tiếng lá rừng kêu xào xạc có tiếng chim rì rì “nói chuyện”.

Tiếp tục chống sào thêm một hồi, mọi người bất giác ngước mặt lên ngọn tràm và đồng thanh reo: “Úi trời, rừng chim!”. Quả vậy, hàng ngàn con chim đậu đen kịt trên những nhánh tràm chĩa thẳng ngọn lên trời. Chúng đậu khắp nơi, trên ngọn tràm, giữa thân tràm, cả trên nhánh tràm vừa gãy vì mưa dông. Mọi người há hốc miệng xuýt xoa nhìn những tổ chim treo đen kịt trên những nhánh tràm. Bầy chim không có vẻ gì sợ hãi trước sự xuất hiện của người lạ. Chúng thản nhiên bay nhảy, đùa giỡn, ca hát ríu rít, đáp xuống nhánh tràm gie ra trước mũi tắc ráng.

Thong dong gần... ngọn tràm nên mọi người cứ nghía vô mấy tổ chim “nựng” đám điên điển mới nở, lông trắng như tuyết đang há cái mỏ đỏ hỏn lên trời chờ bố mẹ mớm mồi. Thò tay vớt chú cồng cộc con lông đen xám mới tập bay vô tình rớt xuống nước, đặt trả lại trên cái tổ chỗ cháng ba nhánh tràm kế bên. Nhiều người bị chim... “ị” trúng ngay đầu, trứng chim rớt “bộp” ngay mũi. Mấy anh mê chụp ảnh thì được một bữa “tiệc” thịnh soạn với bao nhiêu hình ảnh đặc tả về chim mà không phải trèo cây, bắc thang hay “rình rập”.

Trần Đại nói do được bảo vệ nghiêm ngặt nên bầy chim dạn dĩ tụ tập về đây sống định cư, không như loài sếu chỉ mùa khô mới quay về kiếm ăn. Thời điểm này ngay mùa chim đẻ nên chúng tập trung đông hơn, cả cha mẹ, con cái đều về tổ, thành ra vườn chim càng ồn ào náo nhiệt...

Lúa ma

Xen lẫn trong Tràm Chim là những cánh đồng lúa ma (còn gọi lúa trời) đang đòng đòng ngậm sữa, bông lúa thẳng đứng, trắng tươi, lắc lư trong gió như bông lau. Mọi người thích thú vói tay nhổ cây lúa ma có gốc sâu tận đáy nước, cuộn cây lúa dài ngoằng lên ngắm nghía, đo thử để “nể phục” tính thích nghi với thiên nhiên khắc nghiệt của nó. Lúa ma mọc tự nhiên không cần chăm sóc vẫn lớn lên tốt tươi, trổ đầy bông. Đặc biệt, lúa ma thoải mái “sống chung với lũ”, nước cao tới đâu cây lúa vươn mình tới đó. Lúa chín, người dân chỉ việc đưa xuồng áp vô, lấy cây đập đập trên ngọn cho hột lúa rớt trên xuồng rồi chở về xay ra, nấu ăn.

- Theo Dulich Tuoitre, internet

Comments

Popular posts from this blog

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình

London – Xứ sở diễm lệ

Cổng làng – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ