Bí ẩn và cuộc sống huyền bí của bộ tộc 92 người
Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, có lẽ người Thủy ở Tuyên Quang có số thành viên ít nhất, với 92 người. Dưới mái rừng u tịch, cuộc sống của họ ẩn chứa bao điều huyền bí...
Bộ tộc người Thủy này hiện đang sinh sống tại bản Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện mới Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.
Hành trình đi tìm sự sống
Từ trung tâm thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), vượt qua gần 100km đường rừng, chúng tôi về tới xã Hồng Quang (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) - gần tới bản Thượng Minh, “đại bản doanh” của dân tộc Thủy (còn gọi là tộc Mèo Nước).
Khi biết chúng tôi có ý định vào bản Thượng Minh, ông Mai Đình Nhiêu, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Quang nhìn chúng tôi e ngại: “Nhà báo muốn lên đó tìm hiểu thực tế thì tốt quá, nhưng chỉ sợ đi nửa đường nhà báo lại phải quay về…! Từ đây lên bản Thượng Minh gần 20km nhưng đều là đường rừng, phải đi bộ, người khỏe cũng mất nửa ngày mới tới nơi”.
Vì quyết định ngủ đêm tại bản của người Thủy để tìm hiểu rõ hơn về cuộc sống của họ nên chúng tôi lên đường ngay. Khi tới con đường mòn xuyên rừng dẫn tới bản Thượng Minh, bất đồ trời đổ mưa. Mưa rừng nước đổ sầm sập, nước theo triền dốc chảy xuống ào ào như thác. Đường trơn tuột, chúng tôi tay chống gậy, bấu chặt mười đầu ngón chân xuống đất, gồng mình đội mưa vượt qua dốc núi đá dựng đứng.
< Thiếu nữ người Thủy trong bộ trang phục truyền thống.
Mãi rồi mưa cũng tạnh, con đường mòn xuyên rừng xa tít tắp đó cũng dẫn đến cây cầu gỗ báo hiệu chặng đường đã hết. Lúc này mặt trời đã chìm sau đỉnh núi, những mái nhà tranh khép nép dưới các gốc cọ già - bản người Thủy là đây. Chiều đại ngàn thâm u tĩnh mịch, những người dân bản đi rừng lục tục kéo nhau về. Đám trẻ thấy khách lạ, bìu ríu lấp ló sau bậu cửa nhìn chúng tôi lưng khoác ba lô, ngực đeo máy ảnh với ánh mắt đầy vẻ thăm dò.
Năm nay gần 80 tuổi, cụ Kim là người cao tuổi nhất trong cộng đồng tộc người có số thành viên ít nhất Việt Nam này. Cụ Kim người nhỏ thó, tiếng Kinh nói lơ lớ. Nhắc lại chuyện xưa, cụ bảo, chừng 400 năm trước, người Thủy sống ở Quý Châu, Trung Quốc.
Ngày ấy, bởi là một nhánh của người Mông, sống cạnh sông suối nên người Thủy được gọi là Mông nước. Người Thủy chỉ xuất hiện khi tộc người này đến cư trú tại Việt Nam. Nói về cuộc thiên di đầy khổ đau ấy, cụ Kim kể, ngày ấy bởi chiến tranh, bệnh dịch hoành hành, người Mông nước phải cất bước thiên di.
Xuôi phương Nam, ban đầu, người Thủy chọn đất Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang làm nơi an cư lạc nghiệp. Cụ Kim kể: trong cuộc ly hương khốc liệt ấy, cả bộ tộc hàng ngàn người khi đến nơi định cư mới chỉ còn khoảng 80 hộ với vài trăm người. Bệnh tật, đói khát đã làm nhiều sinh linh bỏ mạng trên dặm dài thiên lý.
Do ngôn ngữ, tập tục khác hẳn các dân tộc địa phương ở Hà Giang nên nhóm người Thủy lúc bấy giờ sống biệt lập. Họ dựng vợ gả chồng quanh quẩn trong bản. Trong quá trình mưu sinh gay gắt đó cộng với tình trạng hôn nhân cận huyết và bệnh tật nơi rừng thiêng nước độc đã làm người Thủy chết dần chết mòn. Sau Cách mạng tháng Tám, người Thủy lại tiếp tục thiên di. Khi ấy về Tuyên Quang họ chỉ còn vẻn vẹn 13 người của 3 họ Lý, Mùng, Bàn.
Báu vật đá thiêng
< Thầy mo Bàn Văn Kim và hòn đá thiêng.
Theo cụ Kim thì sở dĩ tộc người của cụ sống sót và phục hồi như ngày nay là bởi có thần linh che chở. Bao đời nay thần linh vẫn trú ngụ trong hòn đá thiêng mà người Thủy xem như báu vật vô giá. Minh chứng cho những lời mình nói, vẻ cung kính, run rẩy, cụ Kim xuống bếp bê lên một chiếc hòm nhỏ có vải đỏ phủ kín xung quanh.
Chiếc hòm đó đựng hòn đá thiêng, vật mà cụ nhận từ tiền nhân đời trước. Hòn đá đó chỉ những người có uy tín trong tộc mới được quyền cất giữ. Mặt nghiêm nghị, chậm rãi, cụ Kim nhấc hòn đá đặt lên bàn. Hòn đá to chừng nắm tay, xù xì như bao hòn đá mà mọi người vẫn thấy nơi bờ suối, bờ sông. Chỉ khác một điều hòn đá có lỗ, có thể xâu dây qua, treo lủng lẳng.
Hướng mắt lên đỉnh núi mờ sương, cụ Kim bảo, hòn đá thiêng này gắn bó với cộng đồng người Thủy khi mọi người thiên di xuống phương Nam. Ngày trước, khi còn ở quê cũ, tộc của cụ sở hữu một hòn đá thiêng khác. Ngày ấy, có thần linh hộ mệnh, người Mông nước hùng cường, khiến nhiều tộc khác ghen tị. Biết đối thủ có bảo vật hộ thân nên một tộc khác đã đánh cắp hòn đá rồi dùng tà thuật làm tan biến hết phép nhiệm màu.
Chính bởi chuyện này mà người Mông nước suy vong, sau cùng phải lìa bỏ mảnh đất gắn bó với mình. Khi tới quê hương mới, nguyện ước được sống dưới sự nhiệm màu, những thầy mo trong cộng đồng đã làm lễ tế linh đình khẩn xin thần linh trở lại. Và, để mong ước đó thành hiện thực, mọi người trong tộc phải tìm hòn đá thiêng mới.
Có được hòn đá độc đáo này, theo cụ Kim, cha ông cụ đã phải lặn lội vượt cả trăm ngọn núi, nghìn con đèo, lên đầu nguồn con suối có nước trong lành nhất để tìm kiếm. Tìm được hòn đá như ý rồi thì làm lễ rước thần linh vào ngự hệt như người Kinh hô thần nhập tượng.
Và, dưới sự nhiệm màu của đá, con trâu thả trên rừng béo tròn, cây lúa cắm dưới ruộng trĩu bông, con cá thả dưới ao mau lớn. Không chỉ đem lại ấm no, an lành mà theo quan niệm của người Thủy, đá thiêng còn giúp dân làng… chữa bệnh.
Ông Lý Văn Lâm - Trạm trưởng trạm Y tế xã Hồng Quang cho biết, người Thủy quan niệm, trong nhà có người ốm đồng nghĩa với việc bị con ma trên rừng nhập vào quấy phá và việc duy nhất của họ là mời thầy mo mang theo hòn đá thiêng về cúng. Lễ vật của buổi lễ trừ tà tùy thuộc vào lời mách bảo của thần linh. Thần bảo bệnh nặng thì phải cúng bằng lợn, trâu bò còn bệnh nhẹ thì cúng bằng gà, bằng chân giò lợn.
Đi tìm ánh sáng
< Lý Thị Toàn, hoa khôi của tộc người Thủy.
Khi dời về Tuyên Quang, người Thủy sống lang bạt trên các đỉnh núi cao. Nơi đầu tiên họ đến là xã Lăng Can, trước đây thuộc huyện Nà Hang, giờ thuộc huyện mới Lâm Bình. Ở đó canh tác gặp nhiều khó khăn bởi núi đá cheo leo, quen bước phiêu du, người Thủy lại di về xã Hồng Quang. Xuống núi, người Thủy học cách trồng cây lúa nước, học nuôi gia súc trong chuồng. Theo ông Mai Đình Nhiêu - Bí thư Đảng ủy xã Hồng Quang thì người Thủy sáng dạ và chăm chỉ học hành như chăm chỉ lên nương, xuống ruộng.
Ở bản Thượng Minh, ông Lý Văn Ngọc (SN 1970) là người rất nổi tiếng. Chẳng phải nhà ông có hàng chục con trâu bò hay có tòa ngang dãy dọc gì mà chỉ bởi ông là đảng viên duy nhất của tộc người Thủy và có 4 người con đều dám “vượt qua” lời nguyền của núi rừng, tìm đến ánh sáng văn minh.
Trầm ngâm bên bếp lửa, ông Ngọc chỉ về dãy núi cao như bức tường thành bao bọc bản làng: “Tổ tiên của tôi tin rằng thần linh ngự trị trên các đỉnh núi đó, chỉ có sống tại bản làng thì mới được các vị thần che chở nên ít khi người dám vượt núi tính kế mưu sinh”. Người con gái đầu tiên vượt núi đi tìm cái chữ ở nơi xa là Lý Thị Toàn, con gái cả của ông Ngọc.
Toàn sinh năm 1988, là hoa khôi của bản Thượng Minh. Người Thủy trước đây lấy vợ, gả chồng từ thủa 12, 13 tuổi. Bởi là bông hoa ngất ngây hương sắc, Toàn là trung tâm chú ý của mọi người. Thế nhưng, nghĩ đời mình không thể quanh quẩn nơi bản làng quạnh quẽ, Toàn đã không nghe tiếng đàn tính tha thiết của chàng trai người Tày, mắt không nhìn dáng hình dũng mãnh của chàng trai Pà Thẻn trong đêm nhảy lửa. Cô muốn dành tất cả cho việc học bởi cô biết chỉ có con đường đó mới khiến cô tìm được hạnh phúc cho mình.
Ngày đầu tiên Toàn rời bản về tỉnh học Trường Trung cấp Y, ông Ngọc lo lắng lắm. Ông nhờ cả thầy mo Kim dùng hòn đá thiêng kêu gọi thần linh mang lại may mắn cho con gái mình. Chẳng biết do hòn đá thiêng của thầy mo Kim linh ứng hay nhờ công chịu khó học tập mà 2 năm sau Lý Thị Toàn hồ hởi mang tấm bằng tốt nghiệp đỏ chói về nhà. Sau 1 năm công tác tốt tại xã Hồng Quang, tới năm 2009, Toàn được người dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã.
Theo bước chân của chị, Lý Thị Hạnh, cô con gái thứ 2 của ông Ngọc đã dùi mài kinh sử và thi đỗ vào Học viện Hành chính Quốc gia, theo học mãi tận Hà Nội. 2 cậu em trai cũng đang gắng sức theo nghiệp bút nghiên tại trường cấp 3 huyện. Tấm gương của chị em Toàn khiến nhiều gia đình trong bộ tộc Thủy ở thung lũng Thượng Minh bây giờ đã cho con em vượt qua các dãy núi thần linh để tìm kiếm tương lai cho bộ tộc mình.
Xã Hồng Quang có hơn 3.000 khẩu và 7 nhóm dân tộc Mông, Dao, Tày, Pà Thẻn, Kinh. Sống giữa cộng đồng các dân tộc nơi đây với số lượng thành viên quá ít ỏi, do đó dân tộc Thủy bỏ tập quán nội hôn. Trong các gia đình người Thủy hiện nay, việc có nhiều thành phần dân tộc như bố người Thủy, mẹ người Pà Thẻn, con dâu cả người Dao, con dâu thứ người Mông, cháu ngoại người Tày không phải là hiếm nữa, dẫn đến sự pha trộn phong tục tập quán trong mỗi gia đình.
- Tổng hợp từ Danviet, Suckhoedoisong
Bộ tộc người Thủy này hiện đang sinh sống tại bản Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện mới Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.
Hành trình đi tìm sự sống
Từ trung tâm thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), vượt qua gần 100km đường rừng, chúng tôi về tới xã Hồng Quang (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) - gần tới bản Thượng Minh, “đại bản doanh” của dân tộc Thủy (còn gọi là tộc Mèo Nước).
Khi biết chúng tôi có ý định vào bản Thượng Minh, ông Mai Đình Nhiêu, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Quang nhìn chúng tôi e ngại: “Nhà báo muốn lên đó tìm hiểu thực tế thì tốt quá, nhưng chỉ sợ đi nửa đường nhà báo lại phải quay về…! Từ đây lên bản Thượng Minh gần 20km nhưng đều là đường rừng, phải đi bộ, người khỏe cũng mất nửa ngày mới tới nơi”.
Vì quyết định ngủ đêm tại bản của người Thủy để tìm hiểu rõ hơn về cuộc sống của họ nên chúng tôi lên đường ngay. Khi tới con đường mòn xuyên rừng dẫn tới bản Thượng Minh, bất đồ trời đổ mưa. Mưa rừng nước đổ sầm sập, nước theo triền dốc chảy xuống ào ào như thác. Đường trơn tuột, chúng tôi tay chống gậy, bấu chặt mười đầu ngón chân xuống đất, gồng mình đội mưa vượt qua dốc núi đá dựng đứng.
< Thiếu nữ người Thủy trong bộ trang phục truyền thống.
Mãi rồi mưa cũng tạnh, con đường mòn xuyên rừng xa tít tắp đó cũng dẫn đến cây cầu gỗ báo hiệu chặng đường đã hết. Lúc này mặt trời đã chìm sau đỉnh núi, những mái nhà tranh khép nép dưới các gốc cọ già - bản người Thủy là đây. Chiều đại ngàn thâm u tĩnh mịch, những người dân bản đi rừng lục tục kéo nhau về. Đám trẻ thấy khách lạ, bìu ríu lấp ló sau bậu cửa nhìn chúng tôi lưng khoác ba lô, ngực đeo máy ảnh với ánh mắt đầy vẻ thăm dò.
Năm nay gần 80 tuổi, cụ Kim là người cao tuổi nhất trong cộng đồng tộc người có số thành viên ít nhất Việt Nam này. Cụ Kim người nhỏ thó, tiếng Kinh nói lơ lớ. Nhắc lại chuyện xưa, cụ bảo, chừng 400 năm trước, người Thủy sống ở Quý Châu, Trung Quốc.
Ngày ấy, bởi là một nhánh của người Mông, sống cạnh sông suối nên người Thủy được gọi là Mông nước. Người Thủy chỉ xuất hiện khi tộc người này đến cư trú tại Việt Nam. Nói về cuộc thiên di đầy khổ đau ấy, cụ Kim kể, ngày ấy bởi chiến tranh, bệnh dịch hoành hành, người Mông nước phải cất bước thiên di.
Xuôi phương Nam, ban đầu, người Thủy chọn đất Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang làm nơi an cư lạc nghiệp. Cụ Kim kể: trong cuộc ly hương khốc liệt ấy, cả bộ tộc hàng ngàn người khi đến nơi định cư mới chỉ còn khoảng 80 hộ với vài trăm người. Bệnh tật, đói khát đã làm nhiều sinh linh bỏ mạng trên dặm dài thiên lý.
Do ngôn ngữ, tập tục khác hẳn các dân tộc địa phương ở Hà Giang nên nhóm người Thủy lúc bấy giờ sống biệt lập. Họ dựng vợ gả chồng quanh quẩn trong bản. Trong quá trình mưu sinh gay gắt đó cộng với tình trạng hôn nhân cận huyết và bệnh tật nơi rừng thiêng nước độc đã làm người Thủy chết dần chết mòn. Sau Cách mạng tháng Tám, người Thủy lại tiếp tục thiên di. Khi ấy về Tuyên Quang họ chỉ còn vẻn vẹn 13 người của 3 họ Lý, Mùng, Bàn.
Báu vật đá thiêng
< Thầy mo Bàn Văn Kim và hòn đá thiêng.
Theo cụ Kim thì sở dĩ tộc người của cụ sống sót và phục hồi như ngày nay là bởi có thần linh che chở. Bao đời nay thần linh vẫn trú ngụ trong hòn đá thiêng mà người Thủy xem như báu vật vô giá. Minh chứng cho những lời mình nói, vẻ cung kính, run rẩy, cụ Kim xuống bếp bê lên một chiếc hòm nhỏ có vải đỏ phủ kín xung quanh.
Chiếc hòm đó đựng hòn đá thiêng, vật mà cụ nhận từ tiền nhân đời trước. Hòn đá đó chỉ những người có uy tín trong tộc mới được quyền cất giữ. Mặt nghiêm nghị, chậm rãi, cụ Kim nhấc hòn đá đặt lên bàn. Hòn đá to chừng nắm tay, xù xì như bao hòn đá mà mọi người vẫn thấy nơi bờ suối, bờ sông. Chỉ khác một điều hòn đá có lỗ, có thể xâu dây qua, treo lủng lẳng.
Hướng mắt lên đỉnh núi mờ sương, cụ Kim bảo, hòn đá thiêng này gắn bó với cộng đồng người Thủy khi mọi người thiên di xuống phương Nam. Ngày trước, khi còn ở quê cũ, tộc của cụ sở hữu một hòn đá thiêng khác. Ngày ấy, có thần linh hộ mệnh, người Mông nước hùng cường, khiến nhiều tộc khác ghen tị. Biết đối thủ có bảo vật hộ thân nên một tộc khác đã đánh cắp hòn đá rồi dùng tà thuật làm tan biến hết phép nhiệm màu.
Chính bởi chuyện này mà người Mông nước suy vong, sau cùng phải lìa bỏ mảnh đất gắn bó với mình. Khi tới quê hương mới, nguyện ước được sống dưới sự nhiệm màu, những thầy mo trong cộng đồng đã làm lễ tế linh đình khẩn xin thần linh trở lại. Và, để mong ước đó thành hiện thực, mọi người trong tộc phải tìm hòn đá thiêng mới.
Có được hòn đá độc đáo này, theo cụ Kim, cha ông cụ đã phải lặn lội vượt cả trăm ngọn núi, nghìn con đèo, lên đầu nguồn con suối có nước trong lành nhất để tìm kiếm. Tìm được hòn đá như ý rồi thì làm lễ rước thần linh vào ngự hệt như người Kinh hô thần nhập tượng.
Và, dưới sự nhiệm màu của đá, con trâu thả trên rừng béo tròn, cây lúa cắm dưới ruộng trĩu bông, con cá thả dưới ao mau lớn. Không chỉ đem lại ấm no, an lành mà theo quan niệm của người Thủy, đá thiêng còn giúp dân làng… chữa bệnh.
Ông Lý Văn Lâm - Trạm trưởng trạm Y tế xã Hồng Quang cho biết, người Thủy quan niệm, trong nhà có người ốm đồng nghĩa với việc bị con ma trên rừng nhập vào quấy phá và việc duy nhất của họ là mời thầy mo mang theo hòn đá thiêng về cúng. Lễ vật của buổi lễ trừ tà tùy thuộc vào lời mách bảo của thần linh. Thần bảo bệnh nặng thì phải cúng bằng lợn, trâu bò còn bệnh nhẹ thì cúng bằng gà, bằng chân giò lợn.
Đi tìm ánh sáng
< Lý Thị Toàn, hoa khôi của tộc người Thủy.
Khi dời về Tuyên Quang, người Thủy sống lang bạt trên các đỉnh núi cao. Nơi đầu tiên họ đến là xã Lăng Can, trước đây thuộc huyện Nà Hang, giờ thuộc huyện mới Lâm Bình. Ở đó canh tác gặp nhiều khó khăn bởi núi đá cheo leo, quen bước phiêu du, người Thủy lại di về xã Hồng Quang. Xuống núi, người Thủy học cách trồng cây lúa nước, học nuôi gia súc trong chuồng. Theo ông Mai Đình Nhiêu - Bí thư Đảng ủy xã Hồng Quang thì người Thủy sáng dạ và chăm chỉ học hành như chăm chỉ lên nương, xuống ruộng.
Ở bản Thượng Minh, ông Lý Văn Ngọc (SN 1970) là người rất nổi tiếng. Chẳng phải nhà ông có hàng chục con trâu bò hay có tòa ngang dãy dọc gì mà chỉ bởi ông là đảng viên duy nhất của tộc người Thủy và có 4 người con đều dám “vượt qua” lời nguyền của núi rừng, tìm đến ánh sáng văn minh.
Trầm ngâm bên bếp lửa, ông Ngọc chỉ về dãy núi cao như bức tường thành bao bọc bản làng: “Tổ tiên của tôi tin rằng thần linh ngự trị trên các đỉnh núi đó, chỉ có sống tại bản làng thì mới được các vị thần che chở nên ít khi người dám vượt núi tính kế mưu sinh”. Người con gái đầu tiên vượt núi đi tìm cái chữ ở nơi xa là Lý Thị Toàn, con gái cả của ông Ngọc.
Toàn sinh năm 1988, là hoa khôi của bản Thượng Minh. Người Thủy trước đây lấy vợ, gả chồng từ thủa 12, 13 tuổi. Bởi là bông hoa ngất ngây hương sắc, Toàn là trung tâm chú ý của mọi người. Thế nhưng, nghĩ đời mình không thể quanh quẩn nơi bản làng quạnh quẽ, Toàn đã không nghe tiếng đàn tính tha thiết của chàng trai người Tày, mắt không nhìn dáng hình dũng mãnh của chàng trai Pà Thẻn trong đêm nhảy lửa. Cô muốn dành tất cả cho việc học bởi cô biết chỉ có con đường đó mới khiến cô tìm được hạnh phúc cho mình.
Ngày đầu tiên Toàn rời bản về tỉnh học Trường Trung cấp Y, ông Ngọc lo lắng lắm. Ông nhờ cả thầy mo Kim dùng hòn đá thiêng kêu gọi thần linh mang lại may mắn cho con gái mình. Chẳng biết do hòn đá thiêng của thầy mo Kim linh ứng hay nhờ công chịu khó học tập mà 2 năm sau Lý Thị Toàn hồ hởi mang tấm bằng tốt nghiệp đỏ chói về nhà. Sau 1 năm công tác tốt tại xã Hồng Quang, tới năm 2009, Toàn được người dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã.
Theo bước chân của chị, Lý Thị Hạnh, cô con gái thứ 2 của ông Ngọc đã dùi mài kinh sử và thi đỗ vào Học viện Hành chính Quốc gia, theo học mãi tận Hà Nội. 2 cậu em trai cũng đang gắng sức theo nghiệp bút nghiên tại trường cấp 3 huyện. Tấm gương của chị em Toàn khiến nhiều gia đình trong bộ tộc Thủy ở thung lũng Thượng Minh bây giờ đã cho con em vượt qua các dãy núi thần linh để tìm kiếm tương lai cho bộ tộc mình.
Xã Hồng Quang có hơn 3.000 khẩu và 7 nhóm dân tộc Mông, Dao, Tày, Pà Thẻn, Kinh. Sống giữa cộng đồng các dân tộc nơi đây với số lượng thành viên quá ít ỏi, do đó dân tộc Thủy bỏ tập quán nội hôn. Trong các gia đình người Thủy hiện nay, việc có nhiều thành phần dân tộc như bố người Thủy, mẹ người Pà Thẻn, con dâu cả người Dao, con dâu thứ người Mông, cháu ngoại người Tày không phải là hiếm nữa, dẫn đến sự pha trộn phong tục tập quán trong mỗi gia đình.
- Tổng hợp từ Danviet, Suckhoedoisong
Comments
Post a Comment