Cây Ngọc Am ở Hà Giang: còn hay không? (kỳ 3)

Người Hán đã tàn sát đại ngàn ngọc am như thế nào?

< Người Hán đã khai thác hết ngọc am ở dãy Tây Côn Lĩnh từ hàng trăm năm trước. 

Ông Hoàng Ngọc Trương, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì, Hà Giang) kể rằng, suốt mấy thế kỷ, người Hán, thậm chí quân đội nhà Thanh kéo sang khu vực Tây Côn Lĩnh khai thác gỗ ngọc am rất nhiều. Họ hạ những cây ngọc am lớn, chôn xuống lòng đất và đánh dấu địa điểm. Khi nào cần dùng đến thì họ sang đào lên chở ngọc am về.

< Những tác phẩm ngọc am có giá bạc tỷ. 

Ngọc am là họ nhà thông, nên cây ngọc am rất giống thông, gỗ cũng tương tự. Ngọc am mới hạ, xẻ ra, mùi thơm rất ít, kém giá trị, chỉ được gọi là gỗ ngọc am. Tuy nhiên, khi chôn xuống lòng đất nhiều năm (càng lâu càng tốt), phần gỗ bên ngoài tan rã, tinh dầu tụ vào lõi, sẽ cho ra ngọc am tốt. Ngọc là quý, am là dưới lòng đất, nên mới có tên gọi ngọc am. Gỗ ngọc am thì bình thường, giá trị sử dụng chỉ ngang gỗ thông, nhưng ngọc am thì lại cực quý.

< Ông Hoàng Ngọc Trương là người tìm hiểu về ngọc am rất kỹ.

Bị nhà Thanh khai thác nhiều, nên cây ngọc am coi như đã bị tuyệt chủng ở nước ta từ hơn 100 năm trước. Tuy nhiên, dưới lòng đất trong những cánh rừng dọc dải Tây Côn Lĩnh thì vẫn còn ngọc am. Cả triệu năm qua, hàng vạn cây ngọc am già chết, bị chôn vùi dưới lòng đất, tích tụ thành ngọc am. Rồi người Trung Quốc sang khai phá, đốn cây, nhưng gốc, rễ ngọc am vẫn vĩnh cửu dưới lòng đất. Những cây ngọc am mà người Trung Quốc chôn dấu dưới lòng đất chưa được đào lên, hoặc họ quên địa điểm cất dấu. Trải qua biến động địa chất, ngọc am chìm sâu dưới lòng đất cả chục mét. Vậy nên, mới có chuyện, anh bạn tôi nhận thầu đập một thủy điện tư nhân ở chân Tây Côn Lĩnh phía Vị Xuyên, khi máy xúc đào sâu vào lòng núi đến 10m, vẫn phát hiện ngọc am. Thứ ngọc am nằm sâu trong lòng đất thế này phải có độ tuổi cả vạn năm và tinh dầu tích tụ trong lõi cực kỳ đậm đặc.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tại Tây Côn Lĩnh lại rộ lên phong trào săn ngọc am. Những người Hán trắng trẻo, cao to lực lưỡng mở đường mòn, dắt trâu mộng vào rừng Hoàng Su Phì đào bới truy tìm ngọc am. Họ mang theo những chiếc thuốn thép dài vài mét. Họ cứ chọc xuống lòng đất, nếu chạm gỗ thì nhấc lên ngửi, có mùi thơm nơi đầu thuốn, thì chắc chắn đó là ngọc am.

Trong câu chuyện với ông Giàng Seo Man, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tả Sử Choóng (Hoàng Su Phì), chúng tôi cũng ghi nhận được những thông tin về việc khai thác ngọc am triệt để ở Tây Côn Lĩnh của người phương Bắc. Trên địa bàn xã Tả Sử Choóng, người Hán đã đắp chặn cả con suối, bắt nước chảy theo hướng khác, mài mòn đất núi để lộ ra ngọc am. Khi lớp đất bề mặt bị cuốn trôi, ngọc am lộ ra khỏi mặt đất, họ chỉ việc xẻ ra mang về.

Những người Hán này đã xin thực dân Pháp cho khai thác ngọc am ở Việt Nam. Khi đó, người Pháp cũng không hiểu giá trị của ngọc am, chẳng biết họ lấy về làm gì, nên cũng không ngăn cản. Từng đoàn trâu bò kéo ngọc am rồng rắn từ những cánh rừng Hoàng Su Phì sang bên kia biên giới. Những người Hán cao to, khỏe mạnh, họ địu hoặc gánh vài súc gỗ trên vai. Họ vô tư khai thác, chặt phá, đào bới như chỗ không người.

Cũng đã có không ít người Hán bỏ mạng ở núi rừng Tây Côn Lĩnh vì lam sơn chướng khí, bị cây đè, rắn cắn. Người dân nhiều xã như Túng Sán, Tả Sử Choóng, Bản Nhùng, Bản Máy, Pờ Ly Ngài, Hồ Thầu thi thoảng phá núi làm ruộng bậc thang, đã đào ra những chiếc quan tài bằng ngọc am, bên trong có thể còn nguyên xác hoặc chỉ còn hài cốt. Nhìn những đồ tùy táng, những bộ xương to lớn, biết ngay đó là người Hán, bỏ mạng tại Việt Nam trong quá trình đi khai thác ngọc am từ cả trăm năm trước.

< Ngọc am dùng làm chậu đựng nước ở bản Chúng Phùng (Túng Sán, Hoàng Su Phì, Hà Giang). 

Học tập người Hán, nên quan lại, tri châu ở vùng Hoàng Su Phì cũng dùng ngọc am để làm quan tài. Trước đây, bác ruột của ông Trương làm lý trưởng, nên lúc nào cũng có ngọc am trong nhà. Hễ ở đâu có tin lấy được ngọc am, ông lý trưởng sẵn sàng bỏ tiền ra mua và sai người đem ngựa đi thồ về. Để mang được một lượng gỗ làm đủ 1 chiếc quan tài, cần cả chục lính với 4 con ngựa khỏe để thồ. Do đó, phải là quan hoặc người nhiều tiền mới có thể sắm được quan tài ngọc am.

Người cuối cùng ở Hoàng Su Phì được táng bằng ngọc am là ông Vàng Dỉn Du, là một thương nhân lớn của đất Hoàng Su Phì, buôn bán thuốc phiện thời Pháp thuộc và rất giàu có. Ông này chết năm 1951. Từ đó đến nay, ở Hoàng Su Phì, không thấy ai có điều kiện để sắm quan tài ngọc am nữa. May ra có trường hợp người Mông xã ở Túng Sán là chôn cất bằng ngọc am, vì họ sống giữa rừng già, gần đỉnh Tây Côn Lĩnh, giữa nơi từng là vương quốc ngọc am. Người Mông ở vùng này dễ dàng tìm được ngọc am trong rừng. Tuy nhiên, do đường sá hiểm trở, phải đi bộ luồn lách mấy chục km mới ra được huyện, nên không thể mang được ngọc am ra.

< Ngọc Am vứt trước nhà dân ở xã Tả Sử Choóng (Hoàng Su Phì).

Những câu chuyện huyễn hoặc về ngọc am khiến ông Hoàng Ngọc Trương say mê thứ gỗ này từ nhỏ. Người Tày cũng như các dân tộc ở vùng cao thường sắm cho mình cỗ quan tài khi về già. Tuy nhiên, ngay từ lúc còn đang công tác, ông Trương đã ráo riết đi tìm ngọc am, với mong ước được nằm trong chiếc quan tài, mà ở Trung Quốc, chỉ có bậc đế vương, quan lớn mới được dùng.

Ông Trương dẫn tôi ra phía sau ngôi nhà gỗ nhỏ bé, bình yên. Sau nhà ông, là một túp lều lợp phi-brô-ximăng. Ông dựng riêng một gian nhà chỉ để cất giữ chiếc quan tài của mình. Ông bảo, người Tày có tục kiêng cho người khác xem quan tài, nên ở thị trấn này, ai cũng biết ông có quan tài ngọc am, song lại chưa ai được nhìn thấy. Tuy nhiên, do nể nang nhà báo, vất vả từ Hà Nội lên, nên ông thắp nhang khấn vái tổ tiên, rồi cho chúng tôi xem.


< Ngọc am chứa trong tầng hầm nhà ông Tỉn (thị trấn Vinh Quang, Hoàng Su Phì).

Ông Trương tháo dây, kéo chiếc bạt lên. Một thứ mùi thơm đậm đặc lan tỏa. Đúng là thứ mùi mà tôi thường ngửi thấy mỗi lần theo chân nhà khảo cổ Nguyễn Lân Cường đi khai quật những ngôi mộ hợp chất.

Tinh dầu ngọc am có khả năng sát khuẩn cực kỳ cao và giữ xác ở trạng thái cực tốt. Thế nên, Nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật từng vô tư nếm chất nước đọng dưới đáy quan tài có ướp xác của một mộ hợp chất cổ. Trong khi ông gật gù khen chất lỏng này rất thơm, ngon, thì người chứng kiến sợ xanh mắt. Nhà khảo cổ này biết rằng, bất cứ vật gì ướp trong tinh dầu ngọc am, thì đều không thể tan rã, hòa lẫn vào ngọc am được. Cho nên, dù ngâm xác người vài trăm năm, thì tinh dầu ngọc am vẫn sạch sẽ tuyệt đối. Thậm chí những miếng trầu cau chôn theo người chết hàng trăm năm còn xanh tươi và vẫn có thể ăn được.

Còn tiếp…

» Huyền thoại về loại gỗ dùng để ướp xác người (kỳ 1)
» Truyền thuyết ngọc am và những ngôi mộ không phân hủy (kỳ 2)
» Người Hán đã tàn sát đại ngàn ngọc am như thế nào? (kỳ 3)
» Những người kỳ công đóng quan tài ướp xác ở Hà Giang (kỳ 4)
» Phát hiện bất ngờ: Hà Giang vẫn còn cây ngọc am (kỳ 5)
» Ngỡ ngàng chứng kiến cây ngọc am 3 người ôm ở Hà Giang (kỳ 6)
» Trưởng công an xã có ngọc am, muốn bán cũng chả được (kỳ cuối)

- Theo Phạm Ngọc Dương - VTC

Comments

Popular posts from this blog

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình

London – Xứ sở diễm lệ

Cổng làng – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ