Rú Gám: Điểm nhấn du lịch Yên Thành, Nghệ An

Bắt nguồn từ chân dãy Trường Sơn đổ về phía đồng bằng, rú Gám - một danh sơn nổi tiếng từ xa xưa và trở thành biểu tượng của quê hương Yên Thành: "Ngái ngôi chi cũng mơ về rú Gám/Bến bờ nào cũng dội sóng sông Dinh, Sông Dinh một thuở đôi bờ nhớ/Rú Gám ba tầng mấy dặm thương"...

Thời Bắc thuộc, các quan cai trị Châu Diễn đã chọn Quỳ Lăng làm lỵ sở, nơi có địa thế hiểm yếu, tiện cho việc phòng thủ, tựa lưng vào núi, mặt ngoảnh ra cánh đồng. Thời nhà Đường, năm Trinh Quán thứ 1 (năm 627), vùng đất này đã là trung tâm của Châu Diễn. Và Cao Vương (Cao Biền-vị quan cai trị, nhà phong thuỷ tài ba, người đã chọn địa điểm xây thành Đại La thời Bắc thuộc) trong những lần tuần thú miền đất biên viễn phía nam Diễn Châu đã trèo lên đỉnh rú Gám và để lại dấu vết ở đây (trên đỉnh rú Gám có hồ nước trong suốt, rất sâu, tục truyền là nơi Cao Biền yểm huyệt).

Đến thời Tiền Lê, khi vùng đất này được khai phá, cư dân quần tụ đông đúc, Lê Long Ngân, con thứ 8 của vua Lê Đại Hành đã chọn vùng đất phía Tây Rú Gám để thành lập lỵ sở Đông Thành. Như vậy, cách ngày nay khoảng 1.000 năm, vùng đất này đã được chọn để xây dựng đế đô...

Trên Rú Gám, bên cạnh đền thờ Bạch Thạch đại vương thần (thần đá trắng), còn có miếu thờ Lý Thiên Cương. Lý Thiên Cương là con của Lý Thái Bảo, một vị nhân thần có công chiêu dân lập ấp khai khẩn vùng Kẻ Gám, về sau lên núi tu tiên, dân lập đền thờ. Rú Gám còn có tên Thứu Lĩnh. Thứu là con chim Thứu, còn gọi là chim Phượng vì núi có hình chim Phượng. Lại có tên là Long Sơn, núi Rồng, vì trên rú Gám có dãy núi đá ẩn hiện lưng chừng núi như là thân Rồng.

Từ thượng tuần tháng 8 đến trung tuần tháng 9 âm lịch hàng năm, nhìn về Rú Gám ta thường thấy một dải mây chạy ngang hông núi rất đẹp. Dựa vào hiện tượng thiên nhiên này, người dân các vùng lân cận đã rút ra kinh nghiệm: Mây Rú Gám không dám đi cày/ Mù rú Gám không giám ra khơi... Sách "Đông Thành phong thổ ký" của nhà sử học Ngô Trí Hợp viết vào thời Tự Đức (1848-1883) xem mây mùa xuân trên đỉnh Rú Gám là một trong 8 danh thắng của huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu cũ.

Rú Gám hiện có gần 150 ha thuộc rừng nguyên sinh đang được bảo tồn ở xã Xuân Thành  (Yên Thành), có thảm thực vật đa dạng chung sống phân tầng rõ nét. Họ dương xỉ phủ kín mặt đất, nhóm cây leo như mây, song, vầu.... loài cây thân gỗ quý hiếm như: lim, trắc, gụ, dẻ...  động vật cũng khá phong phú:  sóc, chồn, cáo, gà rừng, vẹt núi, chim sáo...

Trong không gian hùng vĩ, thơ mộng với sông Dinh chạy quanh co bên những ngọn đồi, chùa Gám (làng Kẻ Gám) hiện ra với kiến trúc cổ kính, điêu khắc Chùa Gám hết sức tinh xảo. Các mảng điêu khắc hình cây cỏ, hoa lá, linh vật, những bức tượng phật... được kết nối lại làm cho con người gần gũi, hoà quyện vào thiên nhiên.

Theo truyền thuyết của làng Kẻ Gám nói rằng Rú Gám từ xa xưa gọi là núi Phượng Sơn , vì đứng từ xa trông giống như con chim phượng đang tư thế vỗ cánh, ở trên đỉnh núi có gò đất giống đầu chim Phượng, dân làng gọi là Hòn  Nhơn hay Nhôn Sơn.

Tên làng buổi đầu mới thành lập gọilà Chân Cảm. Chân là chân thật, vững chải, trường tồn, Cảm là đông vui, trù phú . Cách nay hơn 1.400 năm có ông Lý Thiên Cương, con cháu nhà tiền Lý: Lý Nam Đế (541-602) về chân núi Phượng Sơn chiêu dân, khai đất lập điền trang, đặt tên trang ấp là Trang Cảm, sau đổi tên là Chân Cảm , vì thuộc quận Cửu Chân.

Nhờ long mạch tốt, có sông suối, thế núi long chầu hổ phục, đồng ruộng bình địa, nhờ thiên địa nhân hòa mà dân làng làm ăn no đủ; vì vậy dân các nơi khác tụ tập về đây làm ăn ngày một đông vui trở thành làng lớn nhất Châu Diễn xưa. Nhưng điều kiện canh tác hồi đó còn lạc hậu, phụ thuộc vào thiên nhiên. Nhiều năm hạn hán lớn nhân dân vào núi Phượng Sơn đào củ hoài sơn ( củ khoai mài), hái quả rừng để ăn. Trong núi có cây thân leo gọi là cây Gắm. Quả hình chùm, hình dạng giống quả nhót chứa nhiều tinh bột ăn thay ngô, khoai, sắn để qua lúc bần hàn. Những năm mưa thuận gió hòa cây gắm cho nhiều quả nhân dân thu hái về phơi khô làm lương thực dự trử như khoai sắn.

Để nhớ ơn làng, ơn núi cho cây có quả cứu người lúc đói kém giáp hạt, người dân trong vùng đã đặt tên núi và tên làng là Gắm. Cũng có ý kiến cho rằng để tránh tên húy cây thiêng nên từ Gắm đổi sang Gám. Ngày nay dân không dùng quả Gắm thay lương thực nữa nhưng đến mùa hoa cây Gắm nở trắng rừng, tỏa hương thơm dịu ngọt như để nhắc nhở thế hệ sau nhớ đến cội nguồn, ông cha xưa một thời lam lũ, vật lộn với thiên nhiên, thú dữ, với thủy hỏa đạo tặc để xây đắp nên kẻ, nên làng phồn thịnh như ngày nay.

Để khai thác một cách hợp lý các giá trị văn hoá, lịch sử, tâm linh và du lịch của quần thể này, UBND huyện Yên Thành đã cho lập quy hoạch chi tiết bảo tồn tôn tạo khu du lịch tâm linh Rú Gám có quy mô khoảng 250 ha. Khu vực lập quy hoạch thuộc xã Xuân Thành (trên tỉnh lộ 538, kết nối từ quốc lộ 7 với quốc lộ 1A), với điểm nhấn trung tâm là chùa Gám, từ đó phát triển không gian du lịch tâm linh, sinh thái với các địa danh khác nằm trong không gian du lịch của Nghệ An và Bắc Trung bộ.

Việc cho lập dự án quy hoạch khu du lịch sinh thái và tâm linh Rú Gám là một quyết định có tính đột phá để tìm ra hướng đi cho phát triển du lịch của huyện Yên Thành. Làm cho Rú Gám sống dậy, lớn lên ngang tầm với vóc dáng của một danh sơn, nơi hội tụ anh linh của một vùng đất; đây cũng sẽ là điểm nhấn và là động lực phát triển du lịch của vùng quê lúa Yên Thành.

- Theo Báo Nghệ An, Hoàng Đình Độ, internet

Comments

Popular posts from this blog

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình

London – Xứ sở diễm lệ

Cổng làng – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ