“Mơi" – Hồn dân vũ của người Mường, Yên Bái

Điệu múa này chính là để con cháu cảm ơn tổ tiên một năm qua đã phù hộ, che chở cho con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy bồ, con cháu mạnh khoẻ…

Người Mường Yên Bái cư trú tập trung ở các huyện Văn Chấn, Trấn Yên và Văn Yên. Người Mường có truyền thống canh tác lúa nước từ rất sớm nên nơi cư trú của họ thường là những thung lũng, ven cánh đồng, bên dòng suối…

Kho tàng văn hóa của dân tộc Mường rất phong phú và đa dạng với các điệu múa truyền thống như múa Mơi, múa Trống Tu, múa nàng tiên, múa sạp, múa ống. Riêng múa Mơi ở thôn Ao Luông II, xã Sơn A, huyện Văn Chấn có thể coi là điệu múa đặc trưng nhất cho dân tộc Mường và là khuôn múa trong hệ thống múa

Theo một số người già trong làng kể lại, múa Mơi đã có từ rất lâu rồi, không ai nhớ rõ là từ khi nào. Chỉ biết rằng hàng năm, cứ vào dịp đầu năm mới (mùng 3 tháng Chạp), mọi người tụ tập nhau lại để múa mời tổ tiên xuống trần gian vui chơi, nhảy múa cùng con cháu. Điệu múa này chính là để con cháu cảm ơn tổ tiên một năm qua đã phù hộ, che chở cho con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy bồ, con cháu mạnh khoẻ…

Lễ hội chính thức được diễn ra ở nhà ông Mo lớn, Mo chủ (cầm thần) là ông Mo có uy tín nhất trong làng. Trước nhà ông Mo phải chuẩn bị một cây nêu được trang trí rất nhiều họa tiết mang ý nghĩa tâm linh.

Lễ vật trong lễ hội múa Mơi gồm có: Mâm lễ cúng (tiếng dân tộc Mường gọi là “Pán Cạo”) gồm có các lễ vật: 1 đầu lợn, bánh chay (pèng chay), bánh trưng (pèng chưng), bánh ống (pẻng ống), cơm, xôi, rau chay, măng, lá đu đủ, 1 nải chuối, rượu. Và một lễ vật có ý nghĩa rất quan trọng trong lễ hội này là cây bông, tiếng Mường gọi là “Cần Boồng”.

Bắt đầu vào lễ, thầy Mo mặc quần áo truyền thống, đầu quấn khăn Mơi, tay cầm quạt, ngồi giữa một chiếc chiếu trải ở khu vực trung tâm. Thầy Mo thay mặt tất cả mọi người tham gia trong lễ hội đứng trước mâm cúng khấn, lời khấn đại ý “Hôm nay ngày lành tháng tốt, bản mường tổ chức lễ hội múa Mơi, cảm ơn thần tiên, tổ tiên trong năm qua đã phù hộ cho con cháu một năm làm ăn gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi...”. Điệu múa này của thầy mo với đại ý là thần tiên đã nhập vào thầy để vui chơi cùng con cháu. Khi đã nhập vào, thầy mo sẽ múa điệu quay tròn lắc lư đầu, chân rung mạnh cảm giác như sắp bật khỏi mặt đất, thầy vừa múa nhập đồng miệng vừa lẩm nhẩm điệu hát.

Khi thầy mo nhập đồng xong mọi người bắt đầu vào màn múa đầu tiên theo nhịp gõ trống, chiêng, điệu múa trầu (hay còn gọi là múa nàng tiên). Điệu múa này là thầy mo mời các nàng tiên trên trời xuống để dự lễ hội múa vui cùng bà con dân bản. Tham gia điệu múa này chủ yếu là sáu nghệ nhân mặc trang phục truyền thống, khăn Mơi vắt qua vai, khi vào điệu múa khăn Mơi sẽ được chuyển từ vai xuống tay thành đạo cụ múa. Các nghệ nhân này tay cầm nhạc cụ để tạo nên những âm thanh rộn rã, đó là những thanh nứa dài, gõ lên một tấm gỗ theo nhịp 3-4 kết hợp với âm thanh của trống và chiêng. Còn một số nghệ nhân ngồi ngoài hát Mơi. Ở điệu này, người múa phải nhìn nhau múa đều theo nhạc. Điệu múa này diễn ra trong khoảng 15- 20 phút.

Đây là điệu múa Mơi, những con nuôi đã được thầy chữa cho khỏi bệnh có lễ đến tạ ngày tết được thầy mời ở lại để múa vui. Vào điệu này, tất cả mọi người cùng tham gia múa với những động tác đơn giản, không phức tạp. Chân bước theo nhịp 2-4, chân vắt sang phải thì tay cầm khăn mơi vung sang trái và ngược lại. Mọi người cùng say sưa múa, điệu múa cứ lặp đi lặp lại, từ vị trí ban đầu di chuyển theo vòng tròn rồi lại xoay lại.

Tiếp theo là điệu múa “Mùa Cuổi” (múa Cuội) hay Thần tiên xuống chơi. Đây là màn múa cao trào nhất, điệu múa mang ý nghĩa rằng thần tiên ở trên trời đã nghe thấy lời cúng khấn của con cháu nên đã nhập đồng xuống trần gian cùng vui chơi. Thầy mo lúc này vừa nhảy múa cùng mọi người vừa ra hiệu cho tất cả cùng nhau vui chơi, cùng tham gia vào màn múa.
Ở điệu múa Thần tiên xuống vui với trần gian này, còn có một phần rất đặc biệt đó là phần “phán bông” của thầy Mo, các cô gái rất náo nức đón đợi phần này bởi qua lời phán của Thầy Mo một trong số các cô gái xinh đẹp, đảm đang, khéo léo tham gia và công việc chuẩn bị cây bông sẽ được thầy chọn và phán là người khéo tay nhất đã làm ra bông hoa đẹp nhất.

Sau một hồi múa vui, thầy Mo sẽ ra hiệu cho mọi người chuyển sang điệu múa mô tả những trò chơi thể thao, các trò chơi ở đây chủ yếu là ném còn, đánh đu, kéo co… Xong nhịp múa này thì Cuội nhập vào thầy, lúc này thầy Mo đứng bật dậy múa các động tác lạ khác hẳn với các động tác đã múa trước, có sự trêu ghẹo các cô gái xinh của bản và bị các cô gái đuổi về trời.

Kết thúc, tất cả mọi người quây quần bên nhau, chúc nhau chén rượu và hẹn năm sau thần tiên sẽ quay trở lại vui cùng bản Mường.

Múa Mơi là lễ hội truyền thống mang ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mường nơi đây. Những khát vọng và ước mơ về cuộc sống tự do vươn tới ấm no, hạnh phúc và ca ngợi tình yêu đôi lứa đã được người Mường gửi gắm vào những điệu dân vũ từ rất lâu và sẽ mãi trường tồn trước dòng chảy của thời gian.

- Theo bao Yên Bái, ảnh i-dulich

Comments

Popular posts from this blog

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình

London – Xứ sở diễm lệ

Cổng làng – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ