- 20 năm chầu chực dưới chân nàng Tô để tự kêu oan (Kỳ 2)
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”
20 năm trước, vụ án “đem tượng nàng Tô Thị nung vôi” gây chấn động trong cả nước, người ta nhanh chóng tìm ra kẻ “thủ ác” và cũng đã nhanh chóng cho xây dựng lại tượng nàng Tô Thị…
< Nàng Tô Thị sau khi xây dựng lại.
Tự minh oan dưới chân nàng Tô Thị
Tháng 10.2009, mười tám năm sau “vụ án tày đình”, chúng tôi tìm đến Lạng Sơn, nàng Tô Thị vẫn đứng đó, nhưng là tượng phục dựng ngay sau khi xảy ra “vụ án nung vôi” năm xưa, người nàng giờ trông như một cái xác cắt rời từng mảng chỉ được chắp vá lại một cách vụng về, loang lỗ.
Dưới chân núi Tô Thị có một cái quán bán nước nhỏ do một người đàn ông tóc điểm bạc với vẻ mặt đầy nhẫn nhịn, cam chịu, đứng trông hàng. Khi được hỏi về câu chuyện “vụ án nung vôi nàng Tô Thị” năm xưa, người đàn ông không ngần ngại giới thiệu với chúng tôi: “Vâng, tôi chính là Quyết, kẻ tội đồ của vụ án nàng Tô Thị năm xưa đây…”.
< Tượng nàng Tô Thị nguyên bản (ảnh chụp năm 1990, một năm trước khi tượng bị sụp đổ).
Ông Quyết kể, sau cái ngày vợ ông trốn viện chạy lên công an thị xã kêu cứu chồng, hai ngày sau ông được đưa ra khỏi phòng giam và công an cho ông làm tạp dịch trong khuôn viên công an thị xã. Có lần một công an viên cho ông biết: “Tội ông rất nặng, có tờ báo còn đề nghị kết án tử hình ông vì tội dám nổ mìn nung vôi một trong những di tích hàng đầu đất nước kìa!”. Thế nhưng trong thực tế thì không hề có cuộc lấy cung nào cho dù ông một mực kêu oan. Sau hơn một tháng bị giam, ông Quyết được trả tự do mà không hề có một tờ giấy tạm tha hay lời buộc tội nào!
Ông Quyết kêu oan khắp nơi, nhưng chẳng ai quan tâm. Sau vụ án oan, ông vất vả lê la đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Và như một định mệnh, ông cũng thôi không bán quán hàng ăn cho học sinh ở trước cổng trường Việt Thắng nữa, mà tìm đến ngay nơi nàng Tô Thị sụp đổ dưới chân núi để mở bán hàng nước.
< ... và nàng Tô Thị sau khi được phục chế.
Mở quán bán nước mưu sinh dưới chân núi Tô Thị, ông Quyết đã nghe không biết bao nhiêu lời lên án, miệt thị, nguyền rủa của những du khách. Có người kể tội ông, có người còn đi xa hơn, chửi quàng cả dân Lạng Sơn. Thậm chí có người thì khẳng định như đinh đóng cột rằng kẻ nung vôi nàng Tô Thị đã bị kết án tử hình, người thì nói bị tù chung thân. Không giận dữ, phẫn nộ, ông chỉ mời những người khách chén trà, rồi ôn tồn bảo: “Cái thằng mà bà con bảo là bị tù chung thân hay tử hình, chính là tôi đây…”. Rồi ông từ tốn giải thích mọi chuyện cho những vị khách phương xa…
Ông Quyết không phải là kẻ nung vôi nàng Tô Thị, vậy thì ai là người đã làm nên chuyện tày đình kia ?...
Những ngày này đang là mùa vắng khách vãng cảnh nàng Tô Thị, suốt cả buổi chiều không một bóng người lên núi. Ngồi phe phẩy chiếc quạt mo trong cái quán cóc vắng như chùa Bà Đanh của mình, ông Quyết trầm ngâm: “Tôi ngồi đây như một định mệnh gắn chặt với nàng Tô Thị. Ban đầu tôi cắn răng im lặng.
< Ông Quyết ngày ngày ngồi dưới chân nàng Tô Thị để tự minh oan cho mình.
Vụ án này ồn ào cả nước, nên mười người lên thăm nàng Tô Thị thì hết chín người buông lời trách cứ, lên án. Tính cách người lính đã từng vào sinh ra tử như tôi khá nóng nảy, muốn phản ứng mạnh. Nhưng dần dần tôi trở nên trầm tĩnh, cố tìm cách kể câu chuyện oan khuất của mình, và đa phần du khách nghe xong đều chia sẻ với hoàn cảnh của tôi. Nhưng bia miệng có vạn, mà miệng tôi chỉ có một nên có mấy ai hiểu cho mình?”.
Ông Quyết có ngờ đâu, trong đoàn người viếng nàng Tô Thị sau khi phục chế, có một người từ Sài Gòn xa xôi năm nào cũng tìm đến và âm thầm minh oan cho ông…
Thầy địa lý đi tìm thủ phạm
Ngay sau khi tượng nàng Tô Thị sụp đổ, khi ông Quyết còn nằm trong tù, có một thầy giáo trẻ tìm đến khảo sát nguyên nhân sự cố. Đó là Trương Hoàng Phương, giảng viên khoa địa lý trường đại học sư phạm TP.HCM. Khi ấy anh Phương đang học thạc sĩ chuyên ngành địa lý tại Hà Nội, ý định lên Lạng Sơn ban đầu cũng vì bức xúc qua thông tin của báo chí “người ta đã nổ mìn phá đá nung vôi nàng Tô Thị”.
< Ông Quyết đang kể câu chuyện nàng Tô Thị với đoàn cán bộ sinh viên khoa địa lý trường đại học Sư phạm TP.HCM do thạc sĩ Trương Hoàng Phương hướng dẫn vào tháng 7.2009.
Ban đầu, cùng với dư luận chung, Trương Hoàng Phương cũng đã viết báo lên án ông Quyết, nhưng qua khảo sát, anh Phương thấy rằng, tượng nằm chơi vơi ngoài mép núi, vết trượt của tượng là một vết cắt 45 độ, không thấy có dấu vết của sự phá hoại. Và từ ngày đó bắt đầu hành trình âm thầm minh oan cho một con người mà ông “thầy địa lý” này còn chưa hề biết mặt.
Năm 1998, lần đầu tiên ông “thầy địa lý” Trương Hoàng Phương gặp được ông Đoàn Văn Quyết dưới chân núi Tô Thị. Biết được tấm lòng của thầy giáo Phương, ông Quyết rất xúc động. Và cũng kể từ đó, quán nước nhỏ xíu của ông Quyết đã trở thành nơi thầy Phương tổ chức các buổi thuyết trình địa lý cho sinh viên và cả du khách, đặc biệt là nguyên nhân làm sụp đổ bức tượng, và đây cũng là cơ hội để ông Quyết giãi bày nỗi oan của mình.
Theo thạc sĩ Trương Hoàng Phương, đá vôi tại Lạng Sơn hình thành cách nay từ 245 – 362,5 triệu năm, là một loại đá vôi rất tinh khiết với thành phần CaCO3 thuần nhất. Đá bị hoà tan mạnh do tác dụng của dòng nước tạo ra các dạng của địa hình karst từ đá tai mèo đến giếng, máng, thung, cánh đồng karst và hệ thống hang động theo phương nằm ngang. Khối đá vôi tại Lạng Sơn bị quá trình karst phá huỷ mãnh liệt tạo địa hình cánh đồng karst. Chúng ta dễ dàng thấy được điều này qua hình ảnh các khối đá vôi đơn độc nằm ngay trên lớp đá phi karst (như khối núi Vọng Phu) và hệ thống sông suối khá phát triển tại đây (như sông Kỳ Cùng, suối Ngọc Tuyền trong hang Nhị Thanh).
Tượng nàng Tô Thị được hình thành do sự hoà tan không đều của các lớp đá vôi. Các lớp đá này có độ nghiêng 450, bao gồm bốn lớp: lớp hông, lớp vai – bụng, lớp cổ và lớp đầu. Lớp hông tựa vào vách núi tạo một lõm chứa nước nhỏ, nguồn nước này di chuyển và mở rộng khe nứt nghiêng đến 450 giữa lớp hông và vách núi. Sự hoà tan để lại một lớp đất đỏ mỏng (terra rosa) vẫn còn thấy rõ trên mặt trượt sau khi biến cố bức tượng tự sụp đổ xảy ra. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nàng Tô Thị trượt từ sườn núi cao xuống. Còn trận mưa lớn chiều ngày 27.7.1991 chỉ là nguyên nhân trực tiếp.
< Hòn Gà Chọi – vịnh Hạ Long có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào do hiện tượng karst gặm nhấm trong tự nhiên như tượng nàng Tô Thị năm xưa.
Hiện tượng karst chính là nguyên nhân đẩy tượng nàng Tô Thị trượt xuống vách núi, mà theo ghi nhận của thạc sĩ Trương Hoàng Phương đó cũng chính là nguyên nhân xô ngã bức tượng người cha trong hòn Phụ Tử tại Kiên Giang rạng sáng ngày 9.8.2006 xuống biển. Hiện tượng karst đang gặm dần chân của các núi vôi trong nhiều di tích thắng cảnh ở Việt Nam, trong đó có hòn Gà Chọi trên vịnh Hạ Long. Có thể trong một ngày không xa, chỉ sau một cơn mưa chiều, biểu tượng không chính thức của du lịch Việt Nam chỉ còn một chú gà trơ trọi trên vịnh Hạ Long nếu chúng ta không có giải pháp bảo vệ, gia cố, trùng tu một cách khoa học.
Cám cảnh ông Quyết, thạc sĩ Phương bộc bạch: “Ngày xưa tôi cũng bức xúc, cũng viết báo lên án kẻ nổ mìn phá đá, nung vôi nàng Tô Thị, nhưng cuối cùng không phải vậy, tôi rất ân hận và quyết phải làm điều gì đó để minh oan cho ông. Cho đến bây giờ ngay trên mạng internet vẫn còn những thông tin đó, chưa hề có một lời minh oan cho ông Quyết. Báo chí cũng nên tạo ra sự công bằng với con người trước dư luận, cho dù đó chỉ là một phận người nhỏ bé nào đó trên cuộc đời này…”.
Còn tiếp:
- Kỳ án “Xẻ thịt nàng Tô Thị” (Kỳ 1)
- 20 năm chầu chực dưới chân nàng Tô để tự kêu oan (Kỳ 2)
- Nàng Tô Thị mới (Kỳ 3)
- Theo SGTT, ảnh sưu tầm
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”
20 năm trước, vụ án “đem tượng nàng Tô Thị nung vôi” gây chấn động trong cả nước, người ta nhanh chóng tìm ra kẻ “thủ ác” và cũng đã nhanh chóng cho xây dựng lại tượng nàng Tô Thị…
< Nàng Tô Thị sau khi xây dựng lại.
Tự minh oan dưới chân nàng Tô Thị
Tháng 10.2009, mười tám năm sau “vụ án tày đình”, chúng tôi tìm đến Lạng Sơn, nàng Tô Thị vẫn đứng đó, nhưng là tượng phục dựng ngay sau khi xảy ra “vụ án nung vôi” năm xưa, người nàng giờ trông như một cái xác cắt rời từng mảng chỉ được chắp vá lại một cách vụng về, loang lỗ.
Dưới chân núi Tô Thị có một cái quán bán nước nhỏ do một người đàn ông tóc điểm bạc với vẻ mặt đầy nhẫn nhịn, cam chịu, đứng trông hàng. Khi được hỏi về câu chuyện “vụ án nung vôi nàng Tô Thị” năm xưa, người đàn ông không ngần ngại giới thiệu với chúng tôi: “Vâng, tôi chính là Quyết, kẻ tội đồ của vụ án nàng Tô Thị năm xưa đây…”.
< Tượng nàng Tô Thị nguyên bản (ảnh chụp năm 1990, một năm trước khi tượng bị sụp đổ).
Ông Quyết kể, sau cái ngày vợ ông trốn viện chạy lên công an thị xã kêu cứu chồng, hai ngày sau ông được đưa ra khỏi phòng giam và công an cho ông làm tạp dịch trong khuôn viên công an thị xã. Có lần một công an viên cho ông biết: “Tội ông rất nặng, có tờ báo còn đề nghị kết án tử hình ông vì tội dám nổ mìn nung vôi một trong những di tích hàng đầu đất nước kìa!”. Thế nhưng trong thực tế thì không hề có cuộc lấy cung nào cho dù ông một mực kêu oan. Sau hơn một tháng bị giam, ông Quyết được trả tự do mà không hề có một tờ giấy tạm tha hay lời buộc tội nào!
Ông Quyết kêu oan khắp nơi, nhưng chẳng ai quan tâm. Sau vụ án oan, ông vất vả lê la đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Và như một định mệnh, ông cũng thôi không bán quán hàng ăn cho học sinh ở trước cổng trường Việt Thắng nữa, mà tìm đến ngay nơi nàng Tô Thị sụp đổ dưới chân núi để mở bán hàng nước.
< ... và nàng Tô Thị sau khi được phục chế.
Mở quán bán nước mưu sinh dưới chân núi Tô Thị, ông Quyết đã nghe không biết bao nhiêu lời lên án, miệt thị, nguyền rủa của những du khách. Có người kể tội ông, có người còn đi xa hơn, chửi quàng cả dân Lạng Sơn. Thậm chí có người thì khẳng định như đinh đóng cột rằng kẻ nung vôi nàng Tô Thị đã bị kết án tử hình, người thì nói bị tù chung thân. Không giận dữ, phẫn nộ, ông chỉ mời những người khách chén trà, rồi ôn tồn bảo: “Cái thằng mà bà con bảo là bị tù chung thân hay tử hình, chính là tôi đây…”. Rồi ông từ tốn giải thích mọi chuyện cho những vị khách phương xa…
Ông Quyết không phải là kẻ nung vôi nàng Tô Thị, vậy thì ai là người đã làm nên chuyện tày đình kia ?...
Những ngày này đang là mùa vắng khách vãng cảnh nàng Tô Thị, suốt cả buổi chiều không một bóng người lên núi. Ngồi phe phẩy chiếc quạt mo trong cái quán cóc vắng như chùa Bà Đanh của mình, ông Quyết trầm ngâm: “Tôi ngồi đây như một định mệnh gắn chặt với nàng Tô Thị. Ban đầu tôi cắn răng im lặng.
< Ông Quyết ngày ngày ngồi dưới chân nàng Tô Thị để tự minh oan cho mình.
Vụ án này ồn ào cả nước, nên mười người lên thăm nàng Tô Thị thì hết chín người buông lời trách cứ, lên án. Tính cách người lính đã từng vào sinh ra tử như tôi khá nóng nảy, muốn phản ứng mạnh. Nhưng dần dần tôi trở nên trầm tĩnh, cố tìm cách kể câu chuyện oan khuất của mình, và đa phần du khách nghe xong đều chia sẻ với hoàn cảnh của tôi. Nhưng bia miệng có vạn, mà miệng tôi chỉ có một nên có mấy ai hiểu cho mình?”.
Ông Quyết có ngờ đâu, trong đoàn người viếng nàng Tô Thị sau khi phục chế, có một người từ Sài Gòn xa xôi năm nào cũng tìm đến và âm thầm minh oan cho ông…
Thầy địa lý đi tìm thủ phạm
Ngay sau khi tượng nàng Tô Thị sụp đổ, khi ông Quyết còn nằm trong tù, có một thầy giáo trẻ tìm đến khảo sát nguyên nhân sự cố. Đó là Trương Hoàng Phương, giảng viên khoa địa lý trường đại học sư phạm TP.HCM. Khi ấy anh Phương đang học thạc sĩ chuyên ngành địa lý tại Hà Nội, ý định lên Lạng Sơn ban đầu cũng vì bức xúc qua thông tin của báo chí “người ta đã nổ mìn phá đá nung vôi nàng Tô Thị”.
< Ông Quyết đang kể câu chuyện nàng Tô Thị với đoàn cán bộ sinh viên khoa địa lý trường đại học Sư phạm TP.HCM do thạc sĩ Trương Hoàng Phương hướng dẫn vào tháng 7.2009.
Ban đầu, cùng với dư luận chung, Trương Hoàng Phương cũng đã viết báo lên án ông Quyết, nhưng qua khảo sát, anh Phương thấy rằng, tượng nằm chơi vơi ngoài mép núi, vết trượt của tượng là một vết cắt 45 độ, không thấy có dấu vết của sự phá hoại. Và từ ngày đó bắt đầu hành trình âm thầm minh oan cho một con người mà ông “thầy địa lý” này còn chưa hề biết mặt.
Năm 1998, lần đầu tiên ông “thầy địa lý” Trương Hoàng Phương gặp được ông Đoàn Văn Quyết dưới chân núi Tô Thị. Biết được tấm lòng của thầy giáo Phương, ông Quyết rất xúc động. Và cũng kể từ đó, quán nước nhỏ xíu của ông Quyết đã trở thành nơi thầy Phương tổ chức các buổi thuyết trình địa lý cho sinh viên và cả du khách, đặc biệt là nguyên nhân làm sụp đổ bức tượng, và đây cũng là cơ hội để ông Quyết giãi bày nỗi oan của mình.
Theo thạc sĩ Trương Hoàng Phương, đá vôi tại Lạng Sơn hình thành cách nay từ 245 – 362,5 triệu năm, là một loại đá vôi rất tinh khiết với thành phần CaCO3 thuần nhất. Đá bị hoà tan mạnh do tác dụng của dòng nước tạo ra các dạng của địa hình karst từ đá tai mèo đến giếng, máng, thung, cánh đồng karst và hệ thống hang động theo phương nằm ngang. Khối đá vôi tại Lạng Sơn bị quá trình karst phá huỷ mãnh liệt tạo địa hình cánh đồng karst. Chúng ta dễ dàng thấy được điều này qua hình ảnh các khối đá vôi đơn độc nằm ngay trên lớp đá phi karst (như khối núi Vọng Phu) và hệ thống sông suối khá phát triển tại đây (như sông Kỳ Cùng, suối Ngọc Tuyền trong hang Nhị Thanh).
Tượng nàng Tô Thị được hình thành do sự hoà tan không đều của các lớp đá vôi. Các lớp đá này có độ nghiêng 450, bao gồm bốn lớp: lớp hông, lớp vai – bụng, lớp cổ và lớp đầu. Lớp hông tựa vào vách núi tạo một lõm chứa nước nhỏ, nguồn nước này di chuyển và mở rộng khe nứt nghiêng đến 450 giữa lớp hông và vách núi. Sự hoà tan để lại một lớp đất đỏ mỏng (terra rosa) vẫn còn thấy rõ trên mặt trượt sau khi biến cố bức tượng tự sụp đổ xảy ra. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nàng Tô Thị trượt từ sườn núi cao xuống. Còn trận mưa lớn chiều ngày 27.7.1991 chỉ là nguyên nhân trực tiếp.
< Hòn Gà Chọi – vịnh Hạ Long có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào do hiện tượng karst gặm nhấm trong tự nhiên như tượng nàng Tô Thị năm xưa.
Hiện tượng karst chính là nguyên nhân đẩy tượng nàng Tô Thị trượt xuống vách núi, mà theo ghi nhận của thạc sĩ Trương Hoàng Phương đó cũng chính là nguyên nhân xô ngã bức tượng người cha trong hòn Phụ Tử tại Kiên Giang rạng sáng ngày 9.8.2006 xuống biển. Hiện tượng karst đang gặm dần chân của các núi vôi trong nhiều di tích thắng cảnh ở Việt Nam, trong đó có hòn Gà Chọi trên vịnh Hạ Long. Có thể trong một ngày không xa, chỉ sau một cơn mưa chiều, biểu tượng không chính thức của du lịch Việt Nam chỉ còn một chú gà trơ trọi trên vịnh Hạ Long nếu chúng ta không có giải pháp bảo vệ, gia cố, trùng tu một cách khoa học.
Cám cảnh ông Quyết, thạc sĩ Phương bộc bạch: “Ngày xưa tôi cũng bức xúc, cũng viết báo lên án kẻ nổ mìn phá đá, nung vôi nàng Tô Thị, nhưng cuối cùng không phải vậy, tôi rất ân hận và quyết phải làm điều gì đó để minh oan cho ông. Cho đến bây giờ ngay trên mạng internet vẫn còn những thông tin đó, chưa hề có một lời minh oan cho ông Quyết. Báo chí cũng nên tạo ra sự công bằng với con người trước dư luận, cho dù đó chỉ là một phận người nhỏ bé nào đó trên cuộc đời này…”.
Còn tiếp:
- Kỳ án “Xẻ thịt nàng Tô Thị” (Kỳ 1)
- 20 năm chầu chực dưới chân nàng Tô để tự kêu oan (Kỳ 2)
- Nàng Tô Thị mới (Kỳ 3)
- Theo SGTT, ảnh sưu tầm
Comments
Post a Comment