World Cup ở Sài Gòn: Vua sân cỏ liên tục bị chửi

Đọc báo thấy bài này đáng chú ý, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.

"Trân Thục/Người Việt

Sáng 28 tháng 6, chủ đề chính được dân Sài Gòn bàn luận trong các quán cà phê là... trọng tài, người được mệnh danh là “ông vua trên sân cỏ.”

Thiên hạ chưa hết bất bình về trọng tài của trận Anh-Ðức thì ở trận đấu kế tiếp, giữa Argentina và Mexico, lại có thêm một ông vua sân cỏ khác phạm sai lầm.

Phút 26, Tevez ghi bàn thắng đầu tiên cho Argentina trong tình huống đã bị việt vị, thay vì phủ nhận, trọng tài lại... công nhận, bất kể sự phân trần của Mexico.

Thật ra, nếu trọng tài không thừa nhận bàn thắng của Tevez, chưa chắc Mexico đã thắng nổi Argentina. Thế nhưng, ai cũng tin, những quyết định sai của trọng tài (phủ nhận bàn thắng của Anh, hay công nhận bàn thắng của Argentina đối với Mexico), đã gây ức chế mạnh mẽ về tâm lý và tác động không nhỏ đến kết quả toàn cục. Nói theo kiểu của dân Sài Gòn, Anh và Mexico thất bại vì cả Ðức lẫn Argentina cùng có tới... 12 cầu thủ trên sân.

Nghe những lời chỉ trích như thế, bạn tôi - vợ một trọng tài ở Việt Nam - thở dài: Trọng tài cũng là con người nên hoàn toàn có thể sai lầm. Thế nhưng thiên hạ không chấp nhận những con người làm công việc trọng tài phạm sai lầm, khi sắm vai “vua” trên sân cỏ. Tôi thề không cho con tôi nối nghiệp cha nó!

Dù bất bình với trọng tài, không hài lòng khi FIFA chống chuyện dùng máy móc, hỗ trợ trọng tài tránh sai lầm, song dân Sài Gòn không chịu tẩy chay World Cup 2010.

Ở trận kế tiếp của vòng 1/16 giữa Hà Lan và Slovakia, đa số dân cá cược chấp nhận tỷ lệ bắt Hòa Lan, chấp Slovakia từ nửa trái đến một trái. Kể cả khi, không ít người lo ngại về chuyện... “trọng tài ở World Cup 2010 có thể đã tham gia vào các đường dây... dàn xếp tỷ số” (?).

Sở dĩ thiên hạ theo Hòa Lan đông hơn, bởi đội bóng vẫn được ví von là “cơn lốc màu da cam” nổi tiếng hơn, quen thuộc hơn. Tuy nhiên những người chọn Slovakia có lý lẽ riêng của họ. Tuy là “tân binh” ở World Cup, thế nhưng chính “tân binh” Slovakia là đội đã “tống tiễn” Ý - vô địch World Cup 2006 - về Roma.

Trận Hòa Lan-Slovakia khởi đầu với một Slovakia phòng thủ kỹ càng. Thế nhưng chỉ 18 phút sau, Robben của Hòa Lan đã phá thủng lưới của thủ môn Mucha - người trấn giữ cầu môn Slovakia.

Tới lúc này, giới bình luận bóng đá chuyên nghiệp mới mạnh miệng “tán.” Thậm chí, có người gọi cú sút của Robben là một “tác phẩm nghệ thuật”! Những lời tán tụng quá mức ấy khiến vài người bạn của tôi nhăn mặt. Một người bạn khác cười xòa: “Thôi! Bỏ qua đi! World Cup kỳ này có quá nhiều diễn biến bất ngờ làm họ liên tục dự đoán sai. Bây giờ có dịp, phải cho họ tán chứ. Nghề của quý chàng mà!”

Hòa Lan tiếp tục làm các ủng hộ viên của họ hài lòng. Phút 85, khai thác sai lầm của thủ môn Mucha, Sneijder nâng tỷ số lên 2-0 cho Hòa Lan.

Còn Slovakia? “Tân binh” này cho thấy họ không chịu để “lão làng” bắt nạt. Ít nhất cũng có vài lần, Slovakia làm cho những người ủng hộ Hòa Lan thót tim như phút 67.

Cuối cùng, nỗ lực của Slovakia cũng được đền đáp. Ở những giây cuối cùng của cuộc chiến, các “lão làng” phải chơi xấu để cản phá những “tân binh.” Kết quả là một trái phạt đền cho Slovakia và Vitek đã rút ngắn tỷ số giữa Hòa Lan với Slovakia còn 2-1.

Bây giờ thì dân Sài Gòn đang chờ cuộc đối đầu giữa Brazil và Chile. Một số người tin rằng cuộc đối đầu này sẽ “nóng” như cuộc đối đầu giữa Anh với Ðức.

Brazil thì khỏi bàn, còn Chile thì được xem là đang sung sức. Dẫu sao, giới cá cược ở Sài Gòn vẫn ái mộ và tin cậy Brazil hơn. Tỷ lệ cá cược phổ biến là chọn Brazil, chấp Chile 1 trái ở hai hiệp chính thức.

Những trận đấu ở vòng 1/16 đều rơi vào thời điểm rạng sáng nên hậu quả của nó đối với dân Sài Gòn khá rõ ràng. Sài Gòn tuy có mát hơn trước nhưng chưa hết nóng. Vậy mà sáng ra, bắt đầu có khá nhiều người mặc thêm áo khoác vì “cảm thấy mệt, hình như bị cảm.”

Một vấn đề đáng chú ý khác là càng gần chung cuộc, chuyện bố ráp các tụ điểm cá cược càng ráo riết. Nghe nói, công an đã bắt cả trăm người tổ chức cờ bạc nhân mùa World Cup. Tuy nhiên cũng chính công an thừa nhận, những người bị bắt chỉ là “cò con.” Theo công an Sài Gòn thì cá độ đã theo Internet xuyên biên giới quốc gia. Mỗi trận đấu, trung bình có khoảng 50,000 lượt truy cập từ Việt Nam vào các trang mạng cá cược. Có trận lượt truy cập tăng lên đến 72,000."


( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=115224&z=1 )

Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/13337782

Comments

Popular posts from this blog

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình

London – Xứ sở diễm lệ

Cổng làng – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ