Tết Ðoan Ngọ: Ăn bánh ú, cơm rượu, treo lá xông

Đọc báo thấy bài này đáng chú ý, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.



"Trần Tiến Dũng/Người Việt



Cơn mưa lớn vào đêm đầu mùa mưa ở Sài Gòn một lần nữa nhắc nhở cho người lao động biết một mùa ngập lụt đô thị đã bắt đầu. Tất nhiên nhà nhà ở Sài Gòn không thể mua xuồng ghe để chuẩn bị sống chung với lũ giống như dân mê đá banh chuẩn bị mồi nhậu và tiền bạc để chơi cá độ suốt một mùa World Cup.



Nhưng ở Sài Gòn cũng có những chuyện làm thức tỉnh tâm hồn lương dân mà không cần đến những sự kiện chính trị dỏm, chuyện đường sắt cao tốc Bắc Nam mà mấy ông nghị gật đã và đang bàn ở kỳ họp Quốc Hội.



Sáng 16 tháng 6 Tây lịch là ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch, còn gọi là tết Ðoan Ngọ, Tết sâu bọ, hay đơn giản hơn theo người miền Nam là Tết nửa năm. Có tận mắt nhìn thấy việc chuẩn bị ăn Tết nửa năm này mới thấy văn hóa gốc của người miền Nam may mắn biết bao nhiêu khi không chịu để bị “đốn hạ,” dù trải qua bao tổn thương dưới thể chế Cộng Sản.



Tết ăn bánh ú lá tre



Một bà nội trợ ở chợ Bà Chiểu mà chúng tôi hỏi chuyện nói, “Ðám con tôi hỏi sao Tết Mùng Năm lại ăn bánh ú lá tre, ngày thường không làm được sao.



Tôi cũng theo tập tục của ông bà để lại mà ăn Tết Mùng Năm nên cũng không rõ lắm.”



Bánh ú lá tre là một loại bánh đặc biệt chỉ làm để cúng và ăn trong ngày mùng năm, vì bánh ú ngày thường người ta gói bằng lá chuối. Ruột bánh ú lá tre được làm bằng thứ gạo nếp được ngâm qua nước tro cũng của lá tre, nên trong veo thấy cả nhưn bên trong. Người miền Nam nghèo trước đây thường ăn bánh ú lá tre không nhưn, nhưng coi ra vì ít tiền mà ăn bánh không nhưn chấm với mật đường mía lại có vị ngon lạ miệng hơn.



Theo nhà Hán học Phạm Hoàng Quân, tập tục cúng và ăn bánh ú của người miền Nam khởi nguồn từ dân Minh Hương lưu vong nhà Thanh đến miền Nam thời kỳ khai phá. Ban đầu người ta gói bánh để trần không có bao bì gì ráo, mục đích là khi cúng xong ném xuống sông cho cá tôm dễ rỉa ăn, để không động đến hồn và xác Khuất Nguyên.



Người Hoa họ tôn sùng thi sĩ - danh nhân bất đắc chí Khuất Nguyên thành ra có tập tục này, từ cơ nguyên đó rồi lần theo thời gian người Việt thay đổi đi, biến cái Tết Ðoan Ngọ thành cái Tết nửa năm, bánh phải được làm, được gói bằng lá tre (tre là một loại cây được tin rằng tượng trưng cho người quân tử) để cúng ông bà tổ tiên sau đó là ăn, nhất là cho đám con nít. Thời xưa ít kẹo bánh, đứa con nít nào được cho một chùm bánh ú lá tre là mừng húm.



Treo lá xông và ăn cơm rượu



Người Sài Gòn ngày nay vẫn còn giữ tập tục ngày Tết nửa năm mua một bó lá thơm, gồm lá ngũ trảo, lá ngải cứu, khuynh diệp, lá sả... và một nhánh xương rồng về treo trước cửa nhà, treo cho tới khi nào héo mới bỏ đi.



Riêng với người miền Bắc di cư thì vẫn còn nguyên tập tục ăn cơm rượu vào ngày mùng năm. Ăn cơm rượu làm theo kiểu người Bắc trong tiết giao mùa mới biết thế nào là hương thơm nồng nàn của sản vật nông nghiệp trong nền văn minh lúa nước.




Thật ra cái nghĩa đen ăn cơm rượu, treo lá xông nhằm phòng ngừa sâu bọ trong ngày Tết sâu bọ đã không còn nhiều ý nghĩa trong thời đại virut và siêu vi rút, nhưng nghĩa bóng của việc phòng ngừa các chứng, các hiện tượng thời khí xấu vẫn còn nguyên.



Ở Việt Nam hiện nay, người dân hàng ngày hàng giờ phải sống chung với biết bao nhiêu vấn nạn độc tài, tham nhũng, tàn phá môi trường môi sinh, tê nạn xã hội... Ðích thị là thời khí xấu, nên cần lắm ngày Tết nửa năm mọi gia đình treo lá xông, ăn bánh ú lá tre, ăn cơm rượu."




( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=114427&z=1 )





Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/12761222

Comments

Popular posts from this blog

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình

London – Xứ sở diễm lệ

Cổng làng – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ