Hàng rong Sài Gòn: Buôn có bạn, bán có phường
Đọc báo thấy bài này đáng chú ý, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.
"Sài Gòn Cô Nương/Người Việt
Saigon có nhiều hàng rong. Mỗi loại có hàng hóa và người bán khác nhau.
Những người phụ nữ miền Bắc chuyên đi xe đạp, yên sau ràng tấm khay gỗ bày rau cỏ. Tuy hàng ít nhưng đủ cả: bó rau ngót, rau cần, su hào, đậu bắp mỗi thứ một nắm,... vài ký thịt, chục con cá...
Người miền Nam đẩy xe ba bánh rau quả. Cả một chiếc xe chỉ vài loại rau củ nhưng chất đầy có ngọn cho khách tha hồ đào xới lựa chọn; mùa nào thức nấy: cà chua, bắp cải, su su hay cà rốt, súp lơ, khoai lang Người khác chạy xe gắn máy với cần xé trái cây sau lưng, các chị các cô đẩy xe trái cây xẻ ra ướp lạnh.
Những món hàng rong đó đều đặt trên xe: Xe đạp, xe gắn máy, xe ba bánh... Xe ba bánh có thứ chân đạp bàn đạp, thứ đẩy tay đi, loại ba gác to chở gạo, loại nhỏ nhắn chở trái cây. Bà già Trà Vinh từ chập tối đến giữa khuya chỉ vài xâu bánh tét, bánh ít cũng bày trên mặt một chiếc xe ba bánh đẩy từng bước uể oải. Nếu không thì cắp tay hay đội đầu cho bánh bò, chuối chưng...
Ðó là những cách bán rong thông thường. Ngoài ra thành phố vẫn tồn tại sự chuyên chở hàng hóa cổ truyền từ xưa đến giờ là gánh gồng. Chiếc đòn gióng tre già một mặt bóng lộn, một mặt nhẵn, có mấu hai đầu, móc vào đôi quang đè nặng trĩu trên vai. Ở thôn quê, bãi biển, khắp nơi xa xôi vẫn thông dụng cách gánh ấy. Lối nhỏ gập ghềnh bụi rậm, xe cộ không vào được, chỉ đôi chân đưa quang gánh len lỏi chỗ nào cũng tới.
Trước kia Sài Gòn quang gánh thường là hàng ve chai, gánh chè nhưng thành phố ngày càng rộng lớn, gánh không thể nhiều hàng và không đi quá xa được nên xe ba bánh loại nhỏ đẩy tay, chứ không phải đạp chân, mọc ra ngày càng nhiều thay thế, tiện lợi vì chuyên chở nhiều hàng hóa hơn và đỡ mệt cho người bán rất nhiều.
Vì thế gánh rong ở Sài Gòn dần biến mất, hiện nay trong nội thành chỉ còn hầu hết là gánh quà rong của các phụ nữ miền Trung, nhiều nhất là dân Bình Ðịnh.
Cứ sau các trận thiên tai lớn, số người miền Trung đổ vào Sài Gòn làm ăn càng nhiều. Miền Trung có núi, có biển, có đồng bằng nhưng thiên nhiên khắc nghiệt, đất chật người đông khiến nhiều dân chúng phải bỏ quê đi làm ăn phương xa. Một người tìm việc, kiếm ăn được sẽ quay về mách rủ, lôi kéo bà con chòm xóm cùng đi theo.
Gánh quà rong xuất hiện khoảng năm, bảy năm nay. Chủ nhân, toàn phụ nữ, không đẩy xe ba bánh như các hàng khác. Giá một chiếc ba gác khá cao, hàng lại chẳng đủ nhiều chất đầy lên đó, nơi trọ chật chội không có chỗ đậu xe nên chi cuối cùng người bán chỉ dùng sức của mình gánh hàng. Khi nghỉ, đôi quang có thể xếp chồng lên nhau cạnh chếc đòn dựng đứng thật gọn gàng một góc, cũng ít sợ bị mất cắp như xe đạp hay ba gác.
Vốn liếng không cao nên hàng lặt vặt. Không giống những gánh rong trước kia chỉ bán một mặt hàng: hoặc dừa trái uống nước, hoặc sương sâm sương sáo gánh quà hiện nay nhiều món và rất rẻ tiền. Rẻ nhất không thể rẻ hơn. Lụn vụn, chút chút mỗi thứ một nhúm, thứ gì cũng có: gói đậu phọng rang muối năm trăm đồng độ mười hột (thời này vẫn còn có thứ quà năm trăm đồng!), khô bò một bịch vài sợi như sợi tăm, me ngào đường chua ê cả răng, bịch snack hôi dầu, bánh ống bột tẻ pha màu sặc sỡ không có một chút vị ngọt dù là đường hóa học, bỏng rang, trứng gà và trứng cút luộc, củ sắn, cóc ổi mận. Sang nhất là vài ký chôm chôm hay xoài xanh...
Khoảng từ ba giờ sáng, các chị đã tập trung ở chợ Cầu Muối để mua hàng và soạn hàng. Các gánh đều bán những món hàng giống y hệt nhau. Gánh nào chọn đậu trước cổng trường học thì thiên về thức ăn, gánh nào đi rong đường phố, ngõ hẻm thì thêm vài món hàng khác.
Năm giờ, trời tờ mờ sáng, hàng đã bày biện xong, họ tỏa đi khắp nơi, mỗi người một hướng về phía Chợ Lớn, Tân Ðịnh, Thị Nghè, Thủ Thiêm...
Bà Ất gốc Quảng Ngãi, ngoài sáu mươi tuổi, lưng đã hơi còng, một tay vịn đòn gánh bước nhanh nhịp nhàng, đi chậm thì mất đà, tay xách cái ghế nhựa, chuyên bán dạo các công viên. Bà cho biết cậu con trai duy nhất đang học trung cấp nghề một trường ở quận Tân Bình. Mỗi tuần, hai mẹ con hẹn gặp nhau một lần vào ngày Chủ Nhật ở công viên.
Bà chứa chan hy vọng khi thuật lại lời con trai an ủi mẹ ráng bán tới khi nào con ra trường kiếm được việc làm thì nghỉ. Mỗi tối về nhà trọ, lọ dầu nóng xoa bóp lên bờ vai chai sần và đôi chân thấp khớp không biết một ngày đi bao nhiêu cây số. Viễn ảnh tươi sáng đó làm bà cố gắng vượt qua những cơn đau ốm, trái gió trở trời hành hạ người lớn tuổi.
Chị Tho, 43 tuổi, có chồng làm thợ hồ và hai con ở Phù Mỹ- Bình Ðịnh kể: “Mỗi năm tôi về quê ba lần vào các vụ đông xuân, hè thu và mùa. Về dịp tết Tháng Giêng để gặt mùa và sạ Ðông Xuân; Tháng Năm gặt Ðông Xuân và sạ Hè Thu; còn Tháng Mười thì gặt Hè Thu và sạ mùa. Mỗi lần về một tháng, xong việc đồng áng lại vào Saigon ngay. Các con của tôi lớn hết rồi. Con trai đang định theo cha nó đi phụ hồ ở trong tỉnh thôi chứ không đi xa, con gái lớn ở nhà coi ông bà nội già yếu.
Chị cúi đầu, giọng nhẫn nhịn: “Nông nhàn rảnh rỗi đâu có việc gì làm, mình ở nhà cũng vậy. Chịu khó đi xa kiếm thêm chút ít.”
Chị Tho hướng về miệt Chợ Lớn. Vì xa như thế nên hàng của chị phong phú hơn một chút. Ðầu đòn gánh móc thêm ít đồ chơi trẻ con: lọ nước thổi bọt xà bông, chiếc vợt nhỏ xíu, búp bê, quả bóng vài ba ngàn đồng mỗi món.
Gánh nào ngừng trước trường học thì toàn quà ăn vặt chứ không có đồ chơi. Khu An Dương Vương-Nguyễn Văn Cừ (Cộng Hòa) mấy dãy trường học nên ở đấy có đến hai chục gánh quà đậu thành hàng dài. Mỗi lần bị bảo vệ đuổi, họ chạy qua bên kia đường, hết đợt bố ráp lại quay về. Trời nắng gay gắt vẫn còn đỡ chứ trời mưa các gánh quà đành trân mình chịu đựng. Khu này không có nhiều hàng hiên, họ rũ mảnh nylon che kín đôi quang, vẫn kiên nhẫn ngồi dưới mưa đợi khách.
Chị Nhạn - quê Hoài Nhơn - đậu cố định trước cổng trường Ðại Học Sư Phạm, năm nay hai mươi mốt tuổi. Nhà chị có mấy sào ruộng, mỗi năm làm hai, ba vụ, thu mỗi vụ bốn mươi bao. Số thóc ít ỏi cất trong lu để ăn quanh năm, cần tiêu pha tới đâu thì xúc thóc mang bán tới đó. Có công việc, có đau ốm là thiếu hụt ngay. Chị Nhạn mới đi bán hơn một năm nay. Nhớ gia đình quá nên không đợi tới mùa mới về làm ruộng mà cứ hai tháng về một lần, chị nhẩm tính: “Mỗi gánh khoảng ba đến bốn trăm ngàn vốn, lời từ ba chục, đến bảy chục ngàn là đắt hàng.”
Trong đó, chỗ ngủ mất mười hai ngàn đồng một đêm. Suốt ngày họ ở ngoài đường. Hôm nào trả tiền cho chủ nhà hôm đó, bước vào chiếu nằm ngủ đến sáng hôm sau đi sớm. Gọi là thuê chỗ ngủ mới đúng chứ không phải ở trọ. Chỗ thuê bao cả tắm rửa, vệ sinh, lại nằm ngay khu vực Cầu Ông Lãnh thuận tiện cho việc cất hàng mỗi sớm. Người bán rong bằng xe đạp, xe gắn máy, xe ba gác có thể thuê chỗ trọ xa hơn tận Gò Vấp, Bình Triệu, Tân Bình, Bình Thạnh.... Riêng những gánh rong này không ai trọ xa tốn tiền xe đi lại, cũng không ai đi quá xa. Bước chân họ rảo khắp nơi từ lúc mặt trời chưa mọc đến khi màn đêm buông xuống, canh làm sao kịp quay về chỗ trọ vào khoảng mười rưỡi, mười một giờ đêm.
Chỗ trọ chỉ đủ chỗ nằm xếp cá mòi, phòng hẹp vài chục người, gác rộng đến cả trăm người nằm sát nhau trên chiếu. Ðó là nơi qua đêm của những người buôn gánh bán bưng, phụ hồ, bán vé số từ các tỉnh đổ về. Ban ngày tất cả mọi người tỏa ra khắp nơi mưu sinh, chỉ về đó ngả lưng nghỉ ngơi ngủ mấy tiếng ban đêm.
Nhà trọ không cho nấu ăn, chật tới mức về trễ còn không chỗ mà thuê thì chỗ đâu bếp núc. Vài chị chung nhau một chiếc bếp ga du lịch mang ra lề đường để xào ít sa tế, trộn muối ớt làm hàng cho món bánh tráng trộn mà thôi. Phần họ phải ăn uống ngoài đường. Số tiền lời ít ỏi còn dành dụm mang về quê và xe cộ đi về nên họ chỉ ăn ngày hai bữa. Một đĩa cơm “bụi” vỉa hè hiện nay giá mười lăm ngàn nhưng bữa cơm của họ chỉ tốn có mười ngàn.
Chị Tho thành thật nói: “Hàng cơm quen mặt rồi. Họ bán nhiều cơm với rau xào và nước thịt trộn thôi.”
Quả hàng cơm cũng có phần nới tay với người lao động vì đĩa cơm chay bình dân góc phố cũng đã không có giá đó.
Cứ thế, họ rong ruổi khắp ngõ ngách phố phường, kẽo kẹt không biết mỏi đôi quang gánh trên vai, mang dăm món quà bình dân đến ông gác cổng, anh xe ôm, sinh viên nghèo, công nhân công trường Trẻ con, người lớn, ngay cả bàn nhậu cũng có thể tìm kiếm thấy nơi gánh rong một món quà vặt khả dĩ mua được. Họ lặng lẽ đi, không cất tiếng rao vì toàn hàng lít nhít, nhỏ nhoi làm sao rao xuể từ sáng sớm đến đêm khuya giữa thành phố đông đúc, náo nhiệt.
Khi xưa đàn ông lang bạt mưu sinh, phụ nữ ở nhà chuyên tâm việc nội trợ nhưng bây giờ ngược lại, đàn ông trông nom nhà cửa ruộng vườn để phụ nữ ra ngoài xông pha. Không phải chỉ nghĩa hẹp ra ngoài buôn bán, làm việc mà thực sự họ phải rời bỏ gia đình, xa quê hương tới những vùng đất xa xôi.
Cái gánh sơn hà chồng con kẽo kẹt đầy hy sinh, cam chịu đó chẳng biết khi nào cất được khỏi vai người phụ nữ Việt Nam.".
( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=114009&z=1 )
"Sài Gòn Cô Nương/Người Việt
Saigon có nhiều hàng rong. Mỗi loại có hàng hóa và người bán khác nhau.
Những người phụ nữ miền Bắc chuyên đi xe đạp, yên sau ràng tấm khay gỗ bày rau cỏ. Tuy hàng ít nhưng đủ cả: bó rau ngót, rau cần, su hào, đậu bắp mỗi thứ một nắm,... vài ký thịt, chục con cá...
Người miền Nam đẩy xe ba bánh rau quả. Cả một chiếc xe chỉ vài loại rau củ nhưng chất đầy có ngọn cho khách tha hồ đào xới lựa chọn; mùa nào thức nấy: cà chua, bắp cải, su su hay cà rốt, súp lơ, khoai lang Người khác chạy xe gắn máy với cần xé trái cây sau lưng, các chị các cô đẩy xe trái cây xẻ ra ướp lạnh.
Những món hàng rong đó đều đặt trên xe: Xe đạp, xe gắn máy, xe ba bánh... Xe ba bánh có thứ chân đạp bàn đạp, thứ đẩy tay đi, loại ba gác to chở gạo, loại nhỏ nhắn chở trái cây. Bà già Trà Vinh từ chập tối đến giữa khuya chỉ vài xâu bánh tét, bánh ít cũng bày trên mặt một chiếc xe ba bánh đẩy từng bước uể oải. Nếu không thì cắp tay hay đội đầu cho bánh bò, chuối chưng...
Ðó là những cách bán rong thông thường. Ngoài ra thành phố vẫn tồn tại sự chuyên chở hàng hóa cổ truyền từ xưa đến giờ là gánh gồng. Chiếc đòn gióng tre già một mặt bóng lộn, một mặt nhẵn, có mấu hai đầu, móc vào đôi quang đè nặng trĩu trên vai. Ở thôn quê, bãi biển, khắp nơi xa xôi vẫn thông dụng cách gánh ấy. Lối nhỏ gập ghềnh bụi rậm, xe cộ không vào được, chỉ đôi chân đưa quang gánh len lỏi chỗ nào cũng tới.
Trước kia Sài Gòn quang gánh thường là hàng ve chai, gánh chè nhưng thành phố ngày càng rộng lớn, gánh không thể nhiều hàng và không đi quá xa được nên xe ba bánh loại nhỏ đẩy tay, chứ không phải đạp chân, mọc ra ngày càng nhiều thay thế, tiện lợi vì chuyên chở nhiều hàng hóa hơn và đỡ mệt cho người bán rất nhiều.
Vì thế gánh rong ở Sài Gòn dần biến mất, hiện nay trong nội thành chỉ còn hầu hết là gánh quà rong của các phụ nữ miền Trung, nhiều nhất là dân Bình Ðịnh.
Cứ sau các trận thiên tai lớn, số người miền Trung đổ vào Sài Gòn làm ăn càng nhiều. Miền Trung có núi, có biển, có đồng bằng nhưng thiên nhiên khắc nghiệt, đất chật người đông khiến nhiều dân chúng phải bỏ quê đi làm ăn phương xa. Một người tìm việc, kiếm ăn được sẽ quay về mách rủ, lôi kéo bà con chòm xóm cùng đi theo.
Gánh quà rong xuất hiện khoảng năm, bảy năm nay. Chủ nhân, toàn phụ nữ, không đẩy xe ba bánh như các hàng khác. Giá một chiếc ba gác khá cao, hàng lại chẳng đủ nhiều chất đầy lên đó, nơi trọ chật chội không có chỗ đậu xe nên chi cuối cùng người bán chỉ dùng sức của mình gánh hàng. Khi nghỉ, đôi quang có thể xếp chồng lên nhau cạnh chếc đòn dựng đứng thật gọn gàng một góc, cũng ít sợ bị mất cắp như xe đạp hay ba gác.
Vốn liếng không cao nên hàng lặt vặt. Không giống những gánh rong trước kia chỉ bán một mặt hàng: hoặc dừa trái uống nước, hoặc sương sâm sương sáo gánh quà hiện nay nhiều món và rất rẻ tiền. Rẻ nhất không thể rẻ hơn. Lụn vụn, chút chút mỗi thứ một nhúm, thứ gì cũng có: gói đậu phọng rang muối năm trăm đồng độ mười hột (thời này vẫn còn có thứ quà năm trăm đồng!), khô bò một bịch vài sợi như sợi tăm, me ngào đường chua ê cả răng, bịch snack hôi dầu, bánh ống bột tẻ pha màu sặc sỡ không có một chút vị ngọt dù là đường hóa học, bỏng rang, trứng gà và trứng cút luộc, củ sắn, cóc ổi mận. Sang nhất là vài ký chôm chôm hay xoài xanh...
Khoảng từ ba giờ sáng, các chị đã tập trung ở chợ Cầu Muối để mua hàng và soạn hàng. Các gánh đều bán những món hàng giống y hệt nhau. Gánh nào chọn đậu trước cổng trường học thì thiên về thức ăn, gánh nào đi rong đường phố, ngõ hẻm thì thêm vài món hàng khác.
Năm giờ, trời tờ mờ sáng, hàng đã bày biện xong, họ tỏa đi khắp nơi, mỗi người một hướng về phía Chợ Lớn, Tân Ðịnh, Thị Nghè, Thủ Thiêm...
Bà Ất gốc Quảng Ngãi, ngoài sáu mươi tuổi, lưng đã hơi còng, một tay vịn đòn gánh bước nhanh nhịp nhàng, đi chậm thì mất đà, tay xách cái ghế nhựa, chuyên bán dạo các công viên. Bà cho biết cậu con trai duy nhất đang học trung cấp nghề một trường ở quận Tân Bình. Mỗi tuần, hai mẹ con hẹn gặp nhau một lần vào ngày Chủ Nhật ở công viên.
Bà chứa chan hy vọng khi thuật lại lời con trai an ủi mẹ ráng bán tới khi nào con ra trường kiếm được việc làm thì nghỉ. Mỗi tối về nhà trọ, lọ dầu nóng xoa bóp lên bờ vai chai sần và đôi chân thấp khớp không biết một ngày đi bao nhiêu cây số. Viễn ảnh tươi sáng đó làm bà cố gắng vượt qua những cơn đau ốm, trái gió trở trời hành hạ người lớn tuổi.
Chị Tho, 43 tuổi, có chồng làm thợ hồ và hai con ở Phù Mỹ- Bình Ðịnh kể: “Mỗi năm tôi về quê ba lần vào các vụ đông xuân, hè thu và mùa. Về dịp tết Tháng Giêng để gặt mùa và sạ Ðông Xuân; Tháng Năm gặt Ðông Xuân và sạ Hè Thu; còn Tháng Mười thì gặt Hè Thu và sạ mùa. Mỗi lần về một tháng, xong việc đồng áng lại vào Saigon ngay. Các con của tôi lớn hết rồi. Con trai đang định theo cha nó đi phụ hồ ở trong tỉnh thôi chứ không đi xa, con gái lớn ở nhà coi ông bà nội già yếu.
Chị cúi đầu, giọng nhẫn nhịn: “Nông nhàn rảnh rỗi đâu có việc gì làm, mình ở nhà cũng vậy. Chịu khó đi xa kiếm thêm chút ít.”
Chị Tho hướng về miệt Chợ Lớn. Vì xa như thế nên hàng của chị phong phú hơn một chút. Ðầu đòn gánh móc thêm ít đồ chơi trẻ con: lọ nước thổi bọt xà bông, chiếc vợt nhỏ xíu, búp bê, quả bóng vài ba ngàn đồng mỗi món.
Gánh nào ngừng trước trường học thì toàn quà ăn vặt chứ không có đồ chơi. Khu An Dương Vương-Nguyễn Văn Cừ (Cộng Hòa) mấy dãy trường học nên ở đấy có đến hai chục gánh quà đậu thành hàng dài. Mỗi lần bị bảo vệ đuổi, họ chạy qua bên kia đường, hết đợt bố ráp lại quay về. Trời nắng gay gắt vẫn còn đỡ chứ trời mưa các gánh quà đành trân mình chịu đựng. Khu này không có nhiều hàng hiên, họ rũ mảnh nylon che kín đôi quang, vẫn kiên nhẫn ngồi dưới mưa đợi khách.
Chị Nhạn - quê Hoài Nhơn - đậu cố định trước cổng trường Ðại Học Sư Phạm, năm nay hai mươi mốt tuổi. Nhà chị có mấy sào ruộng, mỗi năm làm hai, ba vụ, thu mỗi vụ bốn mươi bao. Số thóc ít ỏi cất trong lu để ăn quanh năm, cần tiêu pha tới đâu thì xúc thóc mang bán tới đó. Có công việc, có đau ốm là thiếu hụt ngay. Chị Nhạn mới đi bán hơn một năm nay. Nhớ gia đình quá nên không đợi tới mùa mới về làm ruộng mà cứ hai tháng về một lần, chị nhẩm tính: “Mỗi gánh khoảng ba đến bốn trăm ngàn vốn, lời từ ba chục, đến bảy chục ngàn là đắt hàng.”
Trong đó, chỗ ngủ mất mười hai ngàn đồng một đêm. Suốt ngày họ ở ngoài đường. Hôm nào trả tiền cho chủ nhà hôm đó, bước vào chiếu nằm ngủ đến sáng hôm sau đi sớm. Gọi là thuê chỗ ngủ mới đúng chứ không phải ở trọ. Chỗ thuê bao cả tắm rửa, vệ sinh, lại nằm ngay khu vực Cầu Ông Lãnh thuận tiện cho việc cất hàng mỗi sớm. Người bán rong bằng xe đạp, xe gắn máy, xe ba gác có thể thuê chỗ trọ xa hơn tận Gò Vấp, Bình Triệu, Tân Bình, Bình Thạnh.... Riêng những gánh rong này không ai trọ xa tốn tiền xe đi lại, cũng không ai đi quá xa. Bước chân họ rảo khắp nơi từ lúc mặt trời chưa mọc đến khi màn đêm buông xuống, canh làm sao kịp quay về chỗ trọ vào khoảng mười rưỡi, mười một giờ đêm.
Chỗ trọ chỉ đủ chỗ nằm xếp cá mòi, phòng hẹp vài chục người, gác rộng đến cả trăm người nằm sát nhau trên chiếu. Ðó là nơi qua đêm của những người buôn gánh bán bưng, phụ hồ, bán vé số từ các tỉnh đổ về. Ban ngày tất cả mọi người tỏa ra khắp nơi mưu sinh, chỉ về đó ngả lưng nghỉ ngơi ngủ mấy tiếng ban đêm.
Nhà trọ không cho nấu ăn, chật tới mức về trễ còn không chỗ mà thuê thì chỗ đâu bếp núc. Vài chị chung nhau một chiếc bếp ga du lịch mang ra lề đường để xào ít sa tế, trộn muối ớt làm hàng cho món bánh tráng trộn mà thôi. Phần họ phải ăn uống ngoài đường. Số tiền lời ít ỏi còn dành dụm mang về quê và xe cộ đi về nên họ chỉ ăn ngày hai bữa. Một đĩa cơm “bụi” vỉa hè hiện nay giá mười lăm ngàn nhưng bữa cơm của họ chỉ tốn có mười ngàn.
Chị Tho thành thật nói: “Hàng cơm quen mặt rồi. Họ bán nhiều cơm với rau xào và nước thịt trộn thôi.”
Quả hàng cơm cũng có phần nới tay với người lao động vì đĩa cơm chay bình dân góc phố cũng đã không có giá đó.
Cứ thế, họ rong ruổi khắp ngõ ngách phố phường, kẽo kẹt không biết mỏi đôi quang gánh trên vai, mang dăm món quà bình dân đến ông gác cổng, anh xe ôm, sinh viên nghèo, công nhân công trường Trẻ con, người lớn, ngay cả bàn nhậu cũng có thể tìm kiếm thấy nơi gánh rong một món quà vặt khả dĩ mua được. Họ lặng lẽ đi, không cất tiếng rao vì toàn hàng lít nhít, nhỏ nhoi làm sao rao xuể từ sáng sớm đến đêm khuya giữa thành phố đông đúc, náo nhiệt.
Khi xưa đàn ông lang bạt mưu sinh, phụ nữ ở nhà chuyên tâm việc nội trợ nhưng bây giờ ngược lại, đàn ông trông nom nhà cửa ruộng vườn để phụ nữ ra ngoài xông pha. Không phải chỉ nghĩa hẹp ra ngoài buôn bán, làm việc mà thực sự họ phải rời bỏ gia đình, xa quê hương tới những vùng đất xa xôi.
Cái gánh sơn hà chồng con kẽo kẹt đầy hy sinh, cam chịu đó chẳng biết khi nào cất được khỏi vai người phụ nữ Việt Nam.".
( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=114009&z=1 )
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/12385072
Comments
Post a Comment