Vườn Quốc Gia Kong Ka King (Gia Lai)


Vườn Quốc gia Kông Ka King nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku 50 km về phía Đông Bắc, phạm vi ranh giới hành chính phân bố ở các huyện: Kbang, Đak Đoa, Mang Yang.

Đây là đỉnh núi cao nhất trên cao nguyên Pleiku 1.748 mét, với diện tích 42.057,3 ha. Trong đó khoanh vùng du lịch 1.000 ha. Với các chức năng, nhiệm vụ chính của Vườn là bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái, bảo vệ khu vực đầu nguồn sông Ba, sông Đak Pne, phục vụ nghiên cứu và học tập… đặc biệt là phát triển loại hình du lịch sinh thái đang ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh.



Chúng tôi đến với Vườn Quốc gia Kông Ka King trong một buổi sáng nhiều nắng và gió. Xuất phát từ trụ sở chính của Vườn, Ban lãnh đạo và đội kiểm lâm chia hành trình thành 4 tuyến đi trong 2 ngày theo đường mòn trong rừng.

Khoanh vùng có thể phát triển du lịch sinh thái và đưa chúng tôi đi theo hướng đó để khảo sát địa hình. Bắt đầu từ điểm xuất phát đến Trạm nghiên cứu, sau đó theo đường mòn về lại trạm nghỉ ngơi. Hôm sau đến Bãi Nai và cây thông năm lá cổ thụ quý hiếm.



Bắt đầu hành trình ngày đầu tiên đoàn leo bộ khoảng 2,5 km đường rừng đến với đỉnh đá Trắng có độ cao 1.300 mét so với mực nước biển. Leo lên đỉnh tầm nhìn bao quát cả một khoảng rừng, một không gian núi rừng hùng vĩ, bao la rộng mở thu nhỏ trong tầm mắt.

Đây là một mỏm đá đồ sộ, nhiều hình thù, kích thước khác nhau, điểm dừng chân cho du khách nghỉ ngơi và dùng bữa trưa để lấy lại sức tiếp tục cuộc chinh phục.



Khu vực này có rất nhiều loài thực vật chủ yếu là cây lá rộng và lá kim, nhiều loài thạch lan, rêu, chân chim... sống bám trên mỏm đá. Phải kể đến là không khí khác hẳn so với bên ngoài, mang lại cảm giác mát lạnh, sảng khoái, dễ chịu.

Từ đây tiếp tục cuộc hành trình đến Trạm Nghiên cứu voọc mất khoảng 1,5 km. Chúng tôi trở xuống dốc độ nghiêng khoảng 70 độ đi theo đường mòn, trên đường đi phát hiện ra nhiều loài lan như: Kim điệp, Móng Rùa…



Các cán bộ Kiểm lâm là người dẫn đường và hướng dẫn đoàn chúng tôi với lòng nhiệt tình, cởi mở tận tình giới thiệu các loài động-thực vật trong rừng. Chúng tôi đi với tốc độ chậm, vừa phải, vừa đi vừa quan sát, tìm hiểu trong bầu không khí trong lành, sảng khoái. Những lần phát hiện ra các dấu hiệu của động vật hay các loài cây lạ đều mang lại cảm giác phấn khởi, vui mừng cho đoàn, đặc biệt là các anh kiểm lâm.

Có lẽ như là sự sắp đặt sẵn của tạo hóa ban tặng, trên đường đi có nhiều cây nhỏ, dây leo làm độ bám chắn cho người leo xuống vì độ dốc rất cao. Khi đi đến khu vực suối Hàng Ngoi cách đỉnh đá trắng khoảng 1,5 km độ ẩm cao, xuất hiện nhiều loài động-thực vật hơn như các loài cây thân thảo, cây tái sinh, dương xỉ…


< Ếch cây cựa Rhacophorus robertingeri được tìm thấy ở VQG Konkakinh.

Đến Trạm Nghiên cứu voọc, nơi các nhà nghiên cứu, sinh viên chuyên ngành sinh học dừng chân nghiên cứu tập tính sinh thái, thức ăn của voọc, viết báo cáo, xử lý số liệu. Điều đáng tiếc nhất trong chuyến đi này là chúng tôi không được tận mắt nhìn thấy loài voọc chà vá chân xám, loài động vật chủ yếu trong Kông Ka King này, chỉ nhìn thấy một số thức ăn còn sót lại của chúng.

Rừng ở khu vực này bị tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài, trước đây bị khai thác các cây quý có đường kính lớn như hương, trắc, dổi… giờ chỉ là rừng tái sinh sau này chuyển thành khu bảo tồn. Đa số hệ sinh thái được giữ lại, chỉ mất đi một số cây lớn còn cây nhỏ được tái sinh. Đa số hệ thống đường mòn có kích thước lớn ở đây đều do lâm trường mở. Đặc biệt các anh mới phát hiện ra loài khướu lạ và đặt tên luôn cho chúng là khướu Kông Ka King.

Hành trình ngày thứ hai chúng tôi đến với Bãi Nai sau khi băng qua nhiều con suối nhỏ, nước trong vắt. Nơi đây là khoảng đất trống, rộng, cỏ xanh trải cả một khoảng trời, khí hậu mát mẻ rất thích hợp cho sự phát triển của nai.

Ban Quản lý Vườn đang tập trung nhân lực, kinh phí xây dựng chuồng, trại để quy hoạch, nghiên cứu, phát triển nhiều loài động vật thích hợp với môi trường sống ở khu vực này như: Voọc chà vá chân xám, hươu, nai… tạo điều kiện tốt cho du khách khi đến với Kông Ka King sẽ được tận mắt ngắm các loài động vật mà khi đi trong rừng không có cơ hội nhìn thấy.

Vườn Quốc gia Kông Ka King còn hấp dẫn du khách với  nhiều cảnh đẹp thác, núi hùng vĩ. Tiêu biểu là thác 95, thác 3 tầng, đỉnh núi Kông Ka King, cầu treo, rừng thực vật, buôn làng đồng bào dân tộc Bahnar sinh sống lâu đời…

Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Kông Ka King, điểm đến lý tưởng cho khách du lịch trong và ngoài nước đến trải nghiệm, tham quan và tận hưởng không gian đặc trưng của núi rừng bao la trong không gian thiên nhiên rộng mở.

Theo Võ Thanh Thảo (Báo Gia Lai)
Du lịch, GO!

Comments

Popular posts from this blog

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình

London – Xứ sở diễm lệ

Cổng làng – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ