Thắng Cảnh Vực Phun (Phú Yên)


Đi về phía thượng nguồn sông Bánh Lái tới vùng núi Đá Đen thuộc xã Hoà Mỹ Tây, huyện Tây Hoà - bạn sẽ thấy Vực Phun hiện ra giữa núi rừng hùng vĩ, đẹp như một bức tranh.

Dòng nước của con suối Cái chảy đổ xuống một vực sâu từ độ cao 50 mét so với mực nước biển tạo thành một dòng thác lớn trắng xoá. Dưới vực có nhiều tảng đá lớn khiến nước dội ngược lên rất mạnh, có lẽ vì vậy mà dân địa phương đặt tên là Vực Phun.

Sở dĩ, có tên gọi này, bởi do cấu tạo địa chất giữa phía trên vực là những tầng lớp đá rắn chắc và phía dưới vực là tầng đá mềm bị xâm thực xói mòn dần theo năm tháng, tạo thành hố. Nước từ thượng nguồn chảy xuôi lao xuống hố vực, tung bọt trắng xoá như thể từ bên dưới, có một vật khổng lồ phun nước lên cao vậy.

Vực Phun, nằm lọt thỏm trong dãy núi Đá Đen, giữa bạt ngàn rừng cây và đồi núi chập chùng, tạo thành cảnh quan hết sức thơ mộng. Đặc biệt, từ lòng vực trở lên vách đá cheo leo với nhiều chỗ dựng thẳng đứng như bức tường thành, từ trên cao nhìn xuống, du khách dễ có những cảm giác mạnh. phía khác lại là những phiến đá rộng lớn, phẳng lì, làm cho hình dáng Vực Phun thật đa dạng và hùng vĩ.



Theo truyền thuyết thì từ thuở xa xưa, khu vực này, là núi non hiểm trở, nhiều thú dữ cư dân quanh vùng, không người nào dám bén mảng tới đây, để khai thác trầm hương, chai, hột ư, hột đát… vì có con rắn thần khổng lồ chiếm cứ khu vực này, mà cả đến mãnh hổ, sư tử cũng phải tránh xa. Nằm trong khu vực này, cách đó ba dặm hú, phía dưới chân núi, là một thung lũng bằng phẳng rộng hàng trăm mẫu, có thể khai thác để trồng lúa nước và các loại hoa màu, thuộc sở hữu của tay phú hộ ở hạ lưu sông Bánh Lái, nhưng nhiều năm liền đều phải ở trong tình trạng hoang hoá.

Ông phú hộ có cô gái út xinh đẹp, thông minh, nhiều nơi đánh tiếng nhưng xem chừng cô chưa bằng lòng lấy ai. Đây là cơ hội để ông phú hộ nọ mưu đồ việc riêng tư. Ngày kia, ông bàn bạc với ba người vợ, rồi treo yết khắp làng hễ ai diệt trừ được con ác thú kia thì ông gả con gái và chia nhiều ruộng đất cùng gia súc. Tin được loan truyền khắp nơi. Nhiều thanh niên võ nghệ cao cường đã đến khu vực Đá Đen, với lòng quết tâm chiến thắng để chiếm được người đẹp. Nhưng tất thảy mọi người ra đi mà không trở về, hay may mắn trở về, thì thân thể không còn nguyên vẹn như trước. Nhưng điều đáng sợ hơn, là con mãnh thú này bắt đầu trở nên hung hãn hơn: đêm đêm, tấn công vào nhà các cư dân quanh vùng, bắt đi bất kỳ vật gì trước mắt chúng: gà vịt, bò heo và thậm chí cả đến con người.

Mối nguy hiểm càng tăng theo nỗi khiếp sợ. Nhiều dân lành, đã phải dời bỏ nơi chôn nhau cắt rún, đi tha phương cầu thực. Gia đình phú hộ, cũng tính đến chuyện di chuyển đi nơi khác, sau khi con quái vật kia, hai lần vượt qua những tầng rào kiên cố bảo vệ gia sản.
Chuyện bi thương, tưởng có thể xảy ra lập tức thì một hôm sau, có một chàng thanh niên phương xa đi ngang qua, nhìn thấy cảnh nhốn nháo trong làng, bèn hỏi cớ sự mới hiểu rõ ngọn ngành, rồi xin phép dân làng chỉ hướng để chàng đi trừ diệt ác thú. Nhiều người dân thương cảm, vì thấy chàng quá trẻ, làm vật hy sinh sau bao nhiêu người đi trước, ra sức can ngăn. Nhưng chí chàng đã quyết: “Kẻ hèn này, không trừ được thì đành chấp nhận làm mồi cho nó”, nói và chàng lên đường.



Chàng trai lặn lội vào tận rừng sâu. Ra đi từ lúc hừng đông, cho tới xâm xẩm tối mới đến bãi đá toàn màu bầm đen, mà chàng đoán là máu của các nạn nhân trước đó lâm nạn thấm sâu vào tầng sâu của đá. Đêm bắt đầu tối dần, rồi chuyển đen màu mực. Trên tầng dày và cao của những tán lá, chỉ nhìn thấy leo lét mảnh trăng khuyết nhợt nhạt. Từ phía đầu hướng gió, một mùi hôi thối xông lên nồng nặc, khiến chàng thanh niên cảm thấy lợm giọng, buồn nôn. Mùi âm khí ấy, mỗi lúc một dày hơn. Chàng bèn đứng dậy và tiến ra chỗ bãi đá bằng phẳng, nơi ấy có cây săng lẻ to chỉ bằng bắp chân nhưng vô cùng dẻo chắc. Chàng tựa vào thân cây quan sát. Mùi hôi thối lúc một nặng mùi.

Và rồi trước mặt chàng xuất hiện một vật dài ngoằn và to như voi, trên thân mình có những vảy phát sáng như đốm lân tinh. Con vật trườn thật nhanh, trườn đến đâu cây cối ngã rạp đến đó. Từ miệng nó phát ra những tiếng phì phì như bão. Nhanh như cắt, chàng thanh niên nhổ bật rễ cây săng lẻ, đứng thủ thế chờ con quái vật. Khi nó lao tới định cuốn gập miếng mồi, cũng là lúc chàng lạng người sang một bên và đồng thời lao thẳng gốc cây săng lẻ vào giữa thân nó. Tưởng đó là con mồi, con vật uốn cong người và cuộn tròn cây gỗ lại siết chặt. Chỉ chờ có vậy, chàng thanh niên lao tới như mũi tên bắn, hai tay bẻ gập khúc đuôi con vật, luồn tới phía trước quấn siết vào cổ nó.

Đúng lúc đó, chàng nghe một tiếng “rốp” thật dòn rồi phần đuôi dãn ra ngay đờ. Chàng biết, đó là tiếng gãy của một phần khúc xương đuôi, và như thế chiếc đuôi của nó đã trở thành vô dụng nên buông tay ra và kịp bám thít chặt vào cổ nó. Con vật gần như bị ngạt thở, cố vùng vẫy và lao tới phía trước, lôi theo chàng thanh niên bám nhùng nhằng trên lưng một khoảng khá xa. Đến hết bãi đá đen phẳng phiu là một cái ao sen, con vật đâm bổ xuống đó quẫy lộn, lôi theo cả chàng thanh niên.



Cả hai đều cố hết sức để loại địch thủ: một bên cố giết chết con vật hung ác, cứu dân lành vô tội, một bên là cố quật chết kẻ thù, không gọi mà đến. Hai bên quần thảo từ đầu hôm đến canh năm. Cả hai gần như đuối sức. Chàng thanh niên rời con vật bám vào thành bờ ao. Còn con vật hung ác thì ngóc cổ lên khỏi mặt nước ngầu đục bùn đất, thở phì phò. Thỉnh thoảng, nó lịm đi chìm trong đáy ao, cố hết sức quẫy đạp và phun lên những mảng nước như thể người ta cầm gàu tát. Con hung thú kia quẫy đạp cho đến khi tắt thở. Cái ao trước kia, chỉ sau một đêm đã thành sâu hoắm, tạo thành vực như bây giờ. Còn lằn rãnh con thú kéo chàng thanh niên đi, trở thành dòng sông Bánh Lái.

Một truyền thuyết khác kể rằng, xưa con rắn thần trên thiên, đình trốn xuống trần gian, chuyên bắt đàn bà con gái mang đi làm vợ. Một ngày kia, có một cô gái xinh đẹp sắp về nhà chồng, thì rắn thần mò tới bắt cô ta mang lên bãi Đá Đen. Người chồng sắp cưới, là tay võ nghệ cao cường nhất vùng đuổi theo, quần thảo với rắn thần năm canh giờ, thì cả hai đều đuối sức và tắt thở. Cô gái vì tình yêu, vì nghĩa… đã ngồi trên bãi đá than khóc nỉ non. Nước mắt cô ta, đã xói mòn cả bãi đá cứng tạo thành miệng vực như ngày nay.

Cũng có câu chuyện hoàn toàn khác được kể như sau: ở một làng nọ, có anh học trò nghèo, học rất giỏi, nhưng số phận không được như mong muốn. Bao nhiêu lần ứng thí, nếu không bị bệnh trong trường thi ,thì trên đường lai kinh cũng gặp những tai nạn nho nhỏ. Cha cô gái là người tham quyền chức và của cải. Tưởng chàng trai kia đỗ đạt làm quan sẽ vinh quy bái tổ “kiệu anh đi trước võng nàng theo sau”, nhưng ba bốn mùa thi đã trôi qua, mà chàng thanh niên kia không đậu đạt gì, người cha trở mặt đem cô con gái, gả cho tay phú gia làng bên làm vợ lẽ.

Quá  đau xót và thất vọng, chàng bỏ nhà vĩnh biệt người yêu ra đi. Riêng cô gái vì nhớ thương và chờ đợi mỏi mòn, nên một ngày kia, cô cũng bỏ nhà ra đi. Cô đi mãi đi mãi, hết rừng này đến núi nọ, băng qua bao nhiêu đèo cao suối sâu, cốt mong sao tìm gặp được chàng, hai người sẽ dựng lều ven chân núi để hưởng hạnh phúc dài lâu. Nhưng đường đi chập chùng xa, mà bóng chàng thì mãi biệt tăm. Quá đau khổ, cô gái ngồi bên tảng đá than khóc cho số phận. Nước mắt nàng, chảy dài, chảy mãi không dứt, làm xói mòn tảng đá cứng và biến thành vực sâu hun hút, nay là vực Phun.

Đến với Vực Phun, du khách sẽ được thưởng ngoạn một vùng phong cảnh non nước hữu tình cùng nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn như: tìm hiểu sinh thái rừng, leo núi, tắm suối, cắm trại...

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Vietgle, Phuyentourism, ảnh internet

Comments

Popular posts from this blog

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình

London – Xứ sở diễm lệ

Cổng làng – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ