Bí Ẩn Hố Giang (Bình Định)


Hố Giang là một điểm nằm trong dãy núi ở phía tây xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn. Nơi đây đã lưu truyền nhiều câu chuyện như truyền thuyết, đầy huyền thoại bí ẩn.

Đáng kể nhất là "hòn đá chữ" nằm ở lưng chừng núi, cách mặt đất vài trăm mét. Trên mặt nghiêng rất phẳng nhẵn của một tảng đá lớn, chiều dài hơn 4 mét, cao hơn 2 mét, người ta thấy có những dòng chữ Phạn khắc chìm trong đá. Có tất cả 13 dòng, dài ngắn khác nhau. Dân gian truyền lại rằng, đó là chữ do người Chiêm Thành khắc từ lâu đời. Các nhà khoa học xác định vào khoảng thế kỷ XIII. Mấy năm trước, đã có người đồ lại những dòng chữ này, đưa đi nghiên cứu, song ý nghĩa thế nào thì đến nay chưa có lời giải đáp.



Cạnh "đá chữ" là dòng suối chảy từ trên cao đổ xuống không bao giờ cạn, kể cả mùa khô hạn. Dưới chân "đá chữ" khoảng dăm mét có một hang ngầm rất sâu, dường như không đáy, đường kính miệng hang chừng 1 mét. Dân địa phương gọi là hang Ồ Ồ. Khi trong lòng hang phát ra tiếng ồ ồ và trời có mống, nghĩa là sắp mưa. Thấp độ mươi mét có một vết bàn chân trái, dài hơn 1 mét, rộng chừng 60 phân. Ngay cạnh đó là lỗ Ông Gậy, lỗ rộng khoảng hơn gang tay, in sâu xuống nền đá rắn như đầu gậy cắm xuống đất mềm vậy.Dulichgo

Trong chiến tranh, nơi đây bị bom pháo cày xới làm bật lên từng tảng gạch nằm sâu dưới lòng đất, giống như những viên gạch xây các tháp Chàm. Gần đây, có người rà tìm phế liệu đã đào được một tượng Chàm bằng kim loại đúc con rồng.



Vậy những dòng chữ trên đá, tượng cổ, gạch Chàm… mang bí ẩn gì của nền văn hóa Chămpa?
Hiện nay, dưới chân Hố Giang, nhân dân đắp đập làm hồ chứa nước tưới cho đồng ruộng. Hồ nước trong xanh soi bóng núi, mây trời. Những đàn bò ung dung gặm cỏ. Vườn bạch đàn vi vu gió hát… Cảnh quan thiên nhiên cùng những bí ẩn, huyền thoại của Hố Giang có thể biến nơi đây thành điểm du lịch đầy hấp dẫn. Nhân dân Hoài Châu đã mở đường đến tận chân núi, xe con có thể đi được. Ngày lễ tết, trai thanh gái lịch của Hoài Nhơn vẫn thường kéo nhau lên đây du ngoạn, thưởng thức cảnh đẹp của quê hương.

Theo Nguyễn Văn Chương (Báo Bình Định)
Du lịch, GO!

Comments

Popular posts from this blog

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình

London – Xứ sở diễm lệ

Cổng làng – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ