Sông Dak Bla (Kon Tum)
Sông Đắk Bla là một con sông đổ ra Sông Sê San. Sông có chiều dài 157 km với diện tích lưu vực là 3.436 km². Sông Đắk Bla như một dải lụa mềm chảy qua các tỉnh Kon Tum, Gia Lai.
< Sông Đắk Bla đoạn chảy qua thành phố Kon Tum.
Khác với một số dòng sông ở Tây Nguyên, thường bắt nguồn từ Trường Sơn chảy về biển Đông, sông Đắk Bla với chiều dài trên 100km lại chảy theo hướng Tây Trường Sơn, từ địa phận huyện Kon Plong ở phía Tây của tỉnh Kon Tum chảy về thành phố cùng tên, hợp với sông Pô Kô từ hướng Bắc đổ xuống thành con sông lớn Sê San hùng vĩ. Vì điểm đặc biệt này, sông Đắk Bla còn được gọi là dòng sông chảy ngược.
< Một số đoạn đã được xây bờ kè và trồng cỏ trông rất đẹp.
Đến đây, bạn sẽ có cơ hội thăm những ngôi làng của người dân tộc thiểu số còn giữ nguyên được nét hoang sơ, cùng thưởng thức rượu cần, điệu múa xoan truyền thống, nghe những âm thanh của tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã...
< Có những cồn cát nổi chia đoạn sông thành hai nhánh.
Trong hành trình khám phá vẻ đẹp sông nước Đắk Bla - Kon Tum du khách sẽ có những kỷ niệm đáng nhớ khi được xuôi ngược dòng sông này trên thuyền độc mộc của người Bana (thuyền thường được làm ra từ một cây gỗ lớn).
< Cầu Đắk Bla.
Ở đây bạn sẽ có cơ hội thăm những ngôi làng của người dân tộc thiểu số còn giữ nguyên được nét hoang sơ, cùng thưởng thức rượu cần, điệu múa xoan truyền thống, nghe những âm thanh của tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã, thăm cầu treo Kon Klor, cây cầu treo đẹp và dài nhất Tây Nguyên...
< Khách sạn Indochine bên sông Đắk Bla.
Một trong những điểm đến trên tuyến du lịch sông nước này là làng Kon Jơ Ri. Từ Kon Jơ Ri, bỏ đường cái lớn, băng ngang qua làng, qua các nương rẫy và khom người luồn trong một cánh rừng nhỏ trước khi đổ ra con đường mòn chạy dọc theo vách núi của bờ sông. Nếu không ngắm nhìn cảnh quan núi rừng, nương rẫy và sinh hoạt của cư dân hai bên bờ sông, bạn có thể một mình đón thuyền độc mộc trên bến đò làng Kon Tu để ngược dòng về Kon Bã - điểm mà du khách phải tới trước khi xuôi dòng.
< Thuyền độc mộc trên lòng hồ Ya Ly.
Mùa sông cạn, nước mát lạnh và trong vắt nhiều chỗ nhìn thấy đáy. Nhưng cũng có nhiều chỗ eo nước sâu hàng chục mét. Dòng nước lúc lững lờ, lúc cuồn cuộn gầm réo trên ghềnh đá. Cầm lái chiếc thuyền độc mộc dài khoảng 5m nhưng chiều rộng chưa tới 0,5m là A Thuyết, người Ba Na ở làng Kon Tu, khoảng 25-26 tuổi, da đen giòn, chân tay chắc nịch và rất dễ gần.
< Khách du lịch nước ngoài tham gia tour du lịch trên sông.
Mỗi lần đưa khách đi như vậy A Thuyết được Công ty Du lịch Kon Tum trả 40.000 đồng. Thuyết cho biết ngày xưa người làng anh có nhiều thuyền độc mộc lắm nhưng bây giờ đã bán đi nhiều rồi.
Thuyền độc mộc gắn bó với người Ba Na ở dòng sông này như bạn tri âm. Thuyền giúp người Ba Na vận chuyển lúa, ngô trên nương rẫy, măng, củi, gỗ... trong rừng ngược xuôi về làng. Ngày nhàn, thong dong thuyên quăng vài mẻ lưới thế nào cũng kiếm được vài ký cá tôm đem về cho vợ con và lai rai rượu cần với bạn bè. Hoặc lên đầu nguồn vào rừng bẫy con chim, con thú ra sông uống nước. Ngày nhàn, thong dong thuyền trên dòng sông, chàng trai chưa vợ trổ tài tiếng hú và điệu hò thế nào cũng được cô gái đến bắt làm chồng.
< Các thiếu nữ bên sông.
Thuyền càng tiến về thượng nguồn, hai bên dòng sông thường là những vách núi dựng đứng. Có đoạn, giữa dòng sông lại gặp một cồn cát nhô lên chia đôi dòng nước, thỉnh thoảng lại gặp một bẫy bằng tre nứa, chung quanh cắm lá và cỏ, trong bẫy là bã rượu cần. Mùi thơm của rượu sẽ lôi cuốn cá vào ăn. Có hôm Thuyết tóm được những con cá chép to đến 5-6kg.
Nằm trong khoang thuyền, tắm mình cùng non xanh nước biếc, chẳng mấy chốc thuyền đã đến ngã ba nơi hợp lưu với con sông Đục hướng từ xã Đăk Pne (Kon Rẫy) và Hà Tây (Chư Pả, Gia Lai) đổ về. Tiếp tục ngược sông Đăk Bla một đoạn nữa, thuyền đến bến Kon Bã.
Chúng tôi cùng nghỉ trưa dưới bóng mát những cây sung trên bờ. Đôi vợ chồng mới cưới Laurent (37 tuổi) và Anita (29 tuổi) đi hưởng tuần trăng mật, từ Paris đến Hà Nội và đã đi nhiều nơi ở Việt Nam trước khi đến đây. Laurent nói anh rất thích cảnh đẹp hoang sơ của sông nước núi rừng Đăk Bla. Laurent – Anita sau đó đã sung sướng ngụp lặn trong dòng nước mát.
< Hoàng hôn trên sông Đắk Bla.
Sau khi tắm mát, nghỉ ngơi và dùng bữa trưa bên bờ sông, chúng tôi cứ hai người một thuyền cùng với lái đò xuôi Đăk Bla. Chiều về dòng sông Đăk Bla trở nên nhộn nhịp hơn. Trên sông, những thanh niên người dân tộc Ba Na dùng ruột xe ôtô đưa những cây gỗ từ thượng nguồn xuôi về làm nhà.
Những vị khách Tây mặt mày rạng rỡ, thích thú nằm dài trong khoang thuyền ngắm nhìn nắng vàng trải thảm sườn núi, trên bầu trời xanh có con diều hâu dang cánh chao lượn tìm mồi. Và ấn tượng mạnh nhất trong chuyến đi xuôi dòng là khi thuyền chúi mũi xuống dòng nước cuồn cuộn chảy lúc qua những ghềnh đá, nhưng những tay lái cự phách người Ba Na luôn bảo đảm an toàn cho khách và chưa hề có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.
Hiện nay, du lịch khám phá dòng Đắk Bla đang được các công ty du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh khai thác, thu hút được số lượng lớn du khách, nhất là du khách quốc tế. Trong thời gian tới, du lịch trên sông Đắk Bla sẽ là một trong những hành trình quan trọng trong phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn thành phố Kon Tum.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Infonet, TTXVN
Comments
Post a Comment