Nhà Thờ Tắc Sậy (Bạc Liêu)
Ai đã từng du lịch đến Đồng bằng sông Cửu Long có lẽ sẽ không thể bỏ qua một điểm hành hương nổi tiếng: Nhà thờ Tắc Sậy. Theo những người lớn tuổi ở địa phương, tên gọi Tắc Sậy là do xưa kia có một con đường tắt nhỏ đi ngang qua nhà thờ, nằm giữa đám lau sậy, phát âm của người miền Nam, dần biến âm “tắt” thành “tắc”.
Ngày nay, đi trên quốc lộ 1A từ Bạc Liêu đi Cà Mau ngang qua thị trấn Hộ Phòng thuộc huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, du khách sẽ rất ngạc nhiên khi giữa miền đất nghèo vùng bán đảo Cà Mau hiện diện một cụm kiến trúc uy nghi đường bệ – đó là nhà thờ Tắc Sậy gắn với nơi an nghỉ của Linh mục Trương Bửu Diệp mà từ gần 30 năm nay được nhiều người biết đến với lòng sùng mộ.
Linh mục Trương Bửu Diệp sinh ngày 1-1-1897 tại họ đạo Cồn Phước, làng Tấn Đức nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, trong một gia đình nghèo và đạo hạnh. Năm 12 tuổi đã được gởi vào học tại Tiểu chủng viện Cù Lao Giêng và sau đó được học tiếp tại Đại chủng viện Nam Vang.
< Tranh mới nhất Cha FX Trương Bửu Diệp qua nét cọ của họa sĩ ViVi từ San Diego.
Đến năm 1924 đã thụ phong linh mục tại Nam Vang và được bổ nhiệm làm phó xứ họ đạo Hố Trư, một họ đạo của những người Việt Nam sinh sống tại tỉnh Kandal, Campuchia. Năm 1927, được chuyển về làm giáo sư tại Tiểu chủng viện Cù Lao Giêng và đến tháng 3-1930 được cử quản nhiệm họ đạo Tắc Sậy.
Theo lời kể của ông Huỳnh Văn Lập, một người khi còn nhỏ đã từng là chú bé giúp lễ cho Linh mục Diệp (nay ông đã gần 80 tuổi và vẫn còn sinh sống tại Tắc Sậy), thì trong thời kỳ xảy ra chiến tranh giữa Nhật và Pháp tình hình nơi đây rất nhiễu nhương, dân địa phương nhiều người đã phải sơ tán đi nơi khác.
< Mộ phần Cha FX Trương Bửu Diệp.
Chính Linh mục Trần Minh Ký là bề trên địa phận lúc đó đang ở tại Bạc Liêu đã khuyên Ngài nên lánh mặt và người Pháp cũng đã 3 lần đưa xe đến đón và khuyên Ngài tạm lánh về những nơi an ninh chờ tình hình yên ổn rồi hãy trở về với xứ đạo, nhưng Ngài đã khẳng khái trả lời: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng giữa đoàn chiên”.
Ngày 12-3-1946, Ngài bị người Nhật bắt cùng với trên 70 giáo dân thuộc họ đạo Tắc Sậy, tất cả đã bị lùa đi và nhốt chung tại lẫm lúa của ông giáo Sự ở Cây Dừa. Tại đây họ đã chất rơm chung quanh định thiêu sống tất cả nhưng chính Ngài đã đứng ra tranh đấu cho dân và an ủi động viên những người bị giam. Ngài cũng đã khuyên giáo dân sám hối và nhận ơn xá giải. Sau hai lần bị mời đi làm việc, đến lần thứ ba thì không thấy Ngài trở về nữa. Điểm khác thường là sau khi Ngài bị mời đi lần thứ ba, bổn đạo thấy cửa lẫm mở ngỏ nên họ đã trốn thoát hết.
< Nhà an nghỉ của Cha Diệp hiện nay.
Chừng ít ngày sau giáo dân tìm thấy xác Ngài trong một ao vườn nhà ông giáo Sự, với thân xác trần trụi và một vết chém sau ót ngang mang tai. Giáo dân đã vớt thi hài Ngài lên và an táng trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Đến năm 1969, hài cốt Ngài được di dời về nhà thờ Tắc Sậy, nơi Ngài đã từng quản nhiệm 16 năm và là vị chủ chăn thứ hai của xứ đạo này. Ngôi nhà mồ được trùng tu và khánh thành ngày 4-6-1989, đến 12-3-2010 nhân dịp lễ giỗ, hài cốt của Ngài đã được an vị trong một khu nhà mới khang trang và rộng rãi, với rất nhiều phòng nghỉ để khách đến với Ngài được tiếp đón và có chỗ nghỉ ngơi.
Theo nhiều câu chuyện truyền miệng, đã có không ít trường hợp về đây xin ơn và được ơn. Tiếng lành đồn xa, nhiều người từ khắp nơi đã ùn ùn kéo đến. Điểm đáng ghi nhận là trong số những người hành hương về đây, có đến 70% không phải là người Công giáo.
Họ đến từ khắp mọi miền đất nước và cả những người Việt đến từ nhiều nơi trên thế giới. Ngày tiếp ngày, dòng người sùng mộ vẫn cứ đổ dồn về đây. Ngôi nhà nơi đặt di hài Linh mục Trương Bửu Diệp không bao giờ vắng bóng người, đặc biệt vào các ngày 11 - 12 / 3 hằng năm là ngày giỗ của Ngài.
Nếu có dịp đến Nhà thờ Tắc Sậy vào ngày chủ nhật du khách sẽ có cơ hội tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật - một nghi thức trang trọng, truyền thống của người công giáo. Nhà thờ Tắc Sậy mang một kiến trúc lạ và độc đáo, có 3 tầng, tầng trệt dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, tầng 2 và 3 là nơi dâng Thánh lễ, tiền sảnh của tầng 2 rất rộng rải, thoáng mát.
Nơi đặt phần mộ được kiến trúc như một tòa nhà rộng lớn, 3 nóc, nóc chính giữa cao hơn hai nóc phụ có gắn chiếc đồng hổ lớn tạo nên một điểm nhấn nổi bật cho tòa nhà, một lối kiến trúc khá ấn tượng.
< Nhà trọ dành cho khách hành hương.
Nhiều bức tượng gỗ được bày trí theo tinh thần tín ngưỡng Công giáo và các bức tượng ở đây đa số bằng gỗ quý, tác phẩm tượng gỗ Hữu Thạo cao 2,5m được đặt tại nhà thờ Tắc Sậy ngày 24/12/2008 với gỗ nét điêu khắc tinh vi càng khiến cho không khí linh thiêng nơi đây thêm trang trọng.
Nhà thờ Tắc Sậy không chỉ là một điểm hành hương của người Thiên Chúa giáo và các tôn giáo bạn mà còn là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nằm trong tour tuyến của du khách trong và ngoài nước.
Trích theo Aseantraveller.net
Du lịch, GO!
Comments
Post a Comment