Chùa Kh'Leng (Sóc Trăng)


Khleang là một trong những ngôi chùa Khmer cổ nhất ở Sóc Trăng được xây dựng vào giữa thế kỷ 16.
Chùa Kh'Leang tọa lạc trên một khuôn viên rộng 3.825m2, được xây dựng từ năm 1533. Lúc đầu chỉ là ngôi chùa lợp lá sau nhiều lần trùng tu được xây cất bằng gạch ngói. Kiến trúc hiện nay là do lần trùng tu cách đây hơn 80 năm.
Sóc Trăng là vùng đất có nhiều chùa chiền, gần như là tỉnh có nhiều ngôi chùa nhất của Đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết là chùa với lối kiến trúc mang đậm phong cách Khmer Nam Bộ. Chỉ riêng ở khu vực thành phố Sóc Trăng đã có hơn 20 ngôi chùa. Chùa với đồng bào Khmer mang ý nghĩa rất thiêng liêng. Ngôi chùa, ngoài việc dùng để cử hành các nghi lễ tôn giáo, còn là nơi lưu giữ các giáo lý nhà Phật; các tác phẩm văn học nghệ thuật; là nơi diễn ra các lễ hội mang tính văn hóa đặc trưng của dân tộc Khmer.



Chùa Kh'leang là một trong những chùa Khmer cổ kính và đẹp nổi tiếng ở Sóc Trăng. Vị trí chùa ngay trung tâm thị xã, bên bờ sông Trăng thơ mộng chia đôi thị xã, trong một khuôn viên rộng lớn, được bao bọc bằng hàng rào, với cổng ra vào được trang trí những hoa văn cổ truyền Khmer, dưới những tán cổ thụ mát rượi. Dulichgo

Theo truyền thuyết, Khleang được cho là một trong những chùa đầu tiên được xây dựng đầu tiên trong vùng, khoảng năm 1532; khi ấy Sóc Trăng hãy còn là vùng đất hoang vu, chưa được khai phá, dân cư rất thưa thớt, còn cách xa sự can thiệp của các vương triều cai trị.



Ban đầu chùa được xây dựng bằng nguồn vật liệu tại chỗ như tre, gỗ, lá, từ nguồn đóng góp tự nguyện của các lưu dân trong vùng. Những chứng tích của buổi đầu thành lập đã không còn nữa. Toàn bộ kiến trúc hiện tại của chùa được dựng mới lại từ những năm cuối Đệ nhất thế chiến.

Như nhiều ngôi chùa Khmer trong vùng, chùa Khleang, ngoài chính điện giữa vai trò trung tâm, còn có các kiến trúc phụ khác như Sa-la (nhà hội của các vị sư sãi và tín đồ, là tín đồ nơi dâng cơm cho các sư vào các dịp lễ), nhà ở của sư trụ trì (cũng là nơi lưu trữ kinh kệ, sách báo và tài liệu của chùa), nhà ở của các vị sư (am), các tháp chứa cốt, nhà khách, v.v... 



Đặc biệt trong khuôn viên chùa còn có cả một ngôi trường dạy tiếng Khmer bậc trung cấp. Đẹp nhất, uy nghi nhất trong số đó là ngôi chính điện, được xây dựng mới lại năm 1918, chiều dài 24m, chiều rộng 13m, dựng trên nền cao hơn mặt đất khoảng 2m. Dulichgo

Cấu tạo nền kiểu bậc tam cấp, độ rộng mỗi bậc bậc từ 4 - 7m và cao khoảng 1m; giữa các bậc có hàng rào bao xung quanh, có 4 cổng được trang trí hoa văn rực rỡ màu sắc. Bậc ba là mặt bằng của chính điện, cách vách chính điện khoảng 1,5m. Các bậc này tạo thành các sân nội bộ, là nơi sanh hoạt của các tín đồ vào những dịp lễ chùa.



Bộ mái chùa được xây dựng theo hình thức tam cấp và mỗi cấp lại có 3 nếp. Nếp giữa lớn hơn nếp phụ ở hai bên và không có tháp nóc chùa. Các góc mái chùa được đắp hình đuôi rắn cong vút.

Yeak (Chằn) trong các chuyện cổ Khmer là nhân vật tượng trưng cho cái Ác. Yeak có dáng vẻ của một người mang bộ mặt dữ tợn, miệng to, răng nanh dài, mắt lồi, lông mày xếch, mình mặc áo giáp, đầu đội mũ nhọn và tay cầm cái chày dài. Trong văn hóa Khmer, Yeak đã được đức Phật cải hóa và đặt đứng hai bên bậc thềm ở phía trước chánh điện để bảo vệ ngôi chùa



Krud hay Garuda là hình tượng một loại chim thần có mình người; đầu, chân và hai cánh của chim, mỏ ngậm một viên hồng ngọc. Hình tượng Krud được án ngữ ở chỗ tiếp giáp đầu cột với đuôi mái chùa để trấn át con rắn ở trên mái chùa.

Là ngôi chùa của Phật giáo Nam tông Kh'mer nhưng phong cách kiến trúc - điêu khắc không chỉ thuần Kh'mer mà còn là sự kết hợp của văn hóa Hoa và Việt thể hiện bằng các dòng Hán tự được khắc trên thân các cây cột trong ngôi chánh điện và bao lam lại thể hiện phong cách và họa tiết VN.

Ngoài "tam cấp" ở nền, mái chùa cũng được thiết kế theo kiểu tam cấp rất độc đáo, với mái có các chỏm nhọn, độ dốc cao, có gắn các phù điều chim thú trong sự tích Phật giáo. Toàn bộ khối chính điện được dựng bởi 60 cột trụ, chia làm 6 hàng, mỗi cột đều có hoa văn viền ở phần đầu và chân cột chạm hình hoa sen, ở giữa là phần gỗ sơ mài vẽ hình rồng hoa lá bằng nhũ vàng theo mô-típ Trung Hoa. Dulichgo

Khách tham quan, sau khi qua cổng chùa, tiến vào khuôn viên rợp bóng những cây cổ thụ, nhiều nhất là cây thốt nốt, có thể thấy quần thể kiến trúc chính điện nổi bật giữa khuôn viên chùa. Phía trước chính điện là 2 tòa tháp chứa di cốt của các vị trụ trì. Để lên chính điện, khách phải vượt qua các cổng của từng bậc thềm - nơi có các tượng thần giữ cửa. Các tượng này được chế tác dựa theo truyền thuyết Khmer, được phục sức lối Khmer cổ với các hoa văn hình vuông, tròn, chữ nhật, thoi, tam giác,...



Kế tiếp là đến cửa ra vào chính điện. Các cửa này được làm bằng gỗ - nguyên thân gỗ xẻ, khắc cảnh giao đấu giữa hai nhân vật thiện – ác trên nền khung được trang trí hoa văn đến từng chi tiết, với bố cục gọn gàng, đường nét uyển chuyển, uốn lượn, thể hiện trình độ chạm khắc gỗ cao của các nghệ nhân. Bên trong chính điện, bệ thờ và nơi đặt các tượng ở hai gian trong cùng.

Chùa có khoảng 45 tượng Phật Thích Ca làm từ nhiều chất liệu như ciment, gỗ, đồng, đá trắng, đất nung,... hầu hết được chạm trổ, sơn son thiếp vàng. Giữa chính điện là tượng Phật thích ca ngồi thiền định trên đài sen cao 6,8m được trang trí nhiều tầng hoa văn hình cánh sen và lửa; mé trái là bức cửa võng bằng gỗ sơn son thiếp vàng trang trí đầy hoa văn hình chim muông hoa lá theo mô típ quen thuộc của người Kinh. Trần chính điện được trang trí các bức tranh sơn dầu vẽ hình tiên nữ đang múa trên bầu trời càng làm tăng thêm phần sinh động cho gian bên trong chính điện...



Với đường nét kiến trúc cân xứng, hài hòa, gắn liền với những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đa dạng và hầu hết đều thể hiện được những nét đặc trưng trong nghệ thuật truyền thống của người Khmer, chính điện chùa Khleang thực sự là công trình có giá trị về mặt nghệ thuật và thẩm mỹ. Giữa các mẫu trang trí nghệ thuật Khmer, ta còn bắt gặp tác phẩm của người Kinh ở bức cửa võng và của người Hoa trên các thân cột trụ. Điều này phản ánh sự giao thoa văn hóa giữa 3 dân tộc, trong quá trình cộng cư lâu dài đã kết hợp các yếu tố tinh hoa trong nghệ thuật, học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển.

Nhờ đó, chùa Khleang được Bộ Văn Hóa – Thông tin công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và là điểm tham quan hấp dẫn của cư dân trong vùng cũng như du khách gần xa.

Du lịch, GO!

Comments

Popular posts from this blog

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình

London – Xứ sở diễm lệ

Cổng làng – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ