Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng

Theo quốc lộ 28 khoảng 45km về hướng Đông Nam đi Lâm Đồng, thuộc xã Đăk P’lao và xã Đăk Som, huyện Đăk Glong, cách thị xã Gia Nghĩa khoảng 45km là khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng với diện tích 22.103 ha, trong đó 86,7% là diện tích rừng xanh đại ngàn. Đây là nơi lý tưởng cho các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, leo núi cho du khách.

< Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng.

Tà Đùng là dãy núi cao nhất tỉnh Đăk Nông, với đỉnh cao nhất là 1.982m, nằm giữa cao nguyên Đăk Nông và cao Nguyên Di Linh thuộc vùng địa lý sinh học Nam Trung Bộ, đây là điểm giao thoa về địa lý và sinh học giữa khu vực Nam Tây Nguyên và khu vực Miền Đông Nam Bộ.

Tà Đùng cũng là rừng phòng hộ đầu nguồn cho 2 con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Sêrêpốk, nơi cấp, trữ nước cho hàng chục nhà máy thuỷ điện của khu vực.

Trong đó có các dự án thủy điện Đồng Nai 3, 4 đang hoạt động tạo ra những hồ nước có diện tích khoảng 3.620ha mặt nước và hình thành nên 36 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có một số đảo có diện tích khá lớn thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái trên đảo.

< Du khách đi thăm Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng.

Đây cũng là khu vực có trên 1.000 loài động thực vật, là khu vực có sự đa dạng sinh học rất lớn. Trong đó, nhiều loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, Tà Đùng là một trong bốn vùng chim đặc hữu, chứa tới 1/8 số loài chim của Việt Nam và là một trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới. Bên trong khu rừng là dòng suối Đắk N'teng chảy qua tạo thành hai ngọn thác hấp dẫn và kỳ bí. Đứng trên cao nhìn xuống những sườn dốc là các bon làng của bà con xã Đắk P’lao, Đăk R’măng, Đăk Som còn lưu giữ nhiều giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc nằm thấp thoáng trong mây mờ.

Do tác động của con người nên ở độ cao dưới 1.000 m, rừng nguyên sinh của Tà Đùng không còn nữa, chỉ còn rừng thứ sinh sau nương rẫy. Nhưng ở độ cao trên 1.000 m rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn. Thành phần thực vật rất đa dạng và phong phú, nhiều loài thực vật có giá trị kinh tế cao và là nguồn gene quý hiếm của nước ta như: Tùng bách, thông 2 lá, thông 3 lá, thông nàng, vù hương, giáng hương, dầu gió… Cây gỗ ở đây mọc thẳng, cao 30-40 m, có nhiều cây to đường kính tới 2 m, có cây xá xị (cinamomun parthenoxylon) sáu người sải tay ôm không xuể. Nó cao to hơn hẳn cây chò nghìn tuổi nổi tiếng nhất rừng Cúc Phương.

Tà Đùng cũng có nhiều loài cây có giá trị dược liệu cao như trầm hương, vàng đắng, cây ổ kiến (nguyên liệu chế biến thuốc chữa gan).

< Voọc Chà vá chân nâu, một trong những động vật đặc trưng của Tà Đùng.

Xác định bước đầu cho thấy rừng Tà Đùng có 37 loài thú thuộc 17 họ, 7 bộ, trong đó có 14 loài thuộc diện quý hiếm đã ghi vào sách đỏ Việt Nam, 10 loài có tên trong sách đỏ thế giới. Về chim có 100 loài thuộc 33 họ, 13 bộ. Nếu so sánh với các khu hệ chim đã biết thì thành phần chim của Tà Đùng chiếm 1/8 số loài chim, 1/3 số họ chim hiện có ở Việt Nam. Bò sát lưỡng cư có 34 loài, trong đó có 7 loài thuộc diện quý hiếm. Ếch Tà Đùng đặc biệt phong phú về thành phần loài và có trữ lượng cao. Ngoài ra, ở Tà Đùng còn rất nhiều loại côn trùng khác…

Với tiềm năng về tự nhiên và văn hóa độc đáo, trong tương lai, Tà Đùng sẽ được đầu tư, quy hoạch thành 1 trong 2 khu du lịch sinh thái, tham quan, nghi dưỡng với những chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc của tỉnh nhà.

Du lịch, GO! - Theo web Daknong, VnExpress... và nhiều nguồn ảnh khác

Link to full article

Comments

Popular posts from this blog

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình

London – Xứ sở diễm lệ

Cổng làng – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ