A5 - Những cửa biển ở Cà Mau

Bài 9: Cửa biển Sông Đốc.

Cách đây 4 năm, nhân sự kiện 50 năm tập kết ra Bắc tại vàm sông Ông Đốc, tôi được ông Tư Hà, người sống ở đây trên 74 năm, nhà ông ở số 99, Tổ 6, Khu vực 1 (Sông Đốc), giới thiệu rất ngọn ngành về quá trình hình thành và tiềm năng phát triển cửa biển Ông Đốc này.

< Một góc thị trấn Sông Đốc, Cà Mau.

SÔNG ĐỐC XƯA

Vâng! chỉ qua chung trà, chúng ta có thể hình dung được một Sông Đốc thật hùng vĩ. Sông Đốc có tự bao giờ, không ai còn nhớ rõ, nhưng theo ông Hà kể, thì xưa kia, ở đây là một khu rừng rậm, “Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”.

Cửa biển Sông Đốc ngày ấy chỉ có vài nóc gia từ miền ngoài đến đây khai khẩn như ông Ấp Mao, Mười Hộ... và nghề đóng đáy đầu tiên phải kể đến anh em ông Ba Lai, Bảy Đủ. Sông Đốc xưa gọi là Cửa Rồng, bao gồm Long hình và Ngư hình (Long hình là cửa uốn khúc đưa ra ngoài nhưng vẫn giữ được lòng sông, còn Ngư hình giống các con sông khác là ngay thẳng).

Năm 1946, cửa Sông Đốc có chiều ngang khoảng 100m, nhằm mục đích không cho tàu của Pháp vào sông, Ban Phá hoại đã dùng tàu Thái Anh lôi 2 chiếc ghe chài, mỗi chiếc có trọng tải  lớn về cửa Sông Đốc, sau đó dùng đá cát dồn vào hai chiếc ghe chài, rồi nhận xuống dòng sông ngăn không cho tàu giặc ra vào. Hai chiếc chài làm ngăn dòng chảy dẫn đến sóng to gió lớn đánh tạt vào bờ gây sạt lở, cho nên sau này cửa Sông Đốc lớn rộng ra.

Khi lính Mỹ xâm lược, Sông Đốc đổi tên thành sông Khoa Giang. Nhưng chẳng ai thèm dùng cái tên Khoa Giang, vì nó sinh ra từ chính những kẻ xâm lược ngoại bang đặt cho. Cũng theo ông Hà, Sông Đốc được chia làm hai bờ, bờ nam và bờ bắc. So với bờ bắc, bờ nam thuận tiện hơn cho việc ra vào đánh bắt. Cho nên khi khẩn hoang, bờ nam được người dân ở trước và hình thành một xóm nhỏ khoảng 10 nóc gia, dần dà dân tứ phương đến càng nhiều, bờ nam trở nên đông đúc. Ông Hà cho biết, có được cái Xóm Cửa ngày trước cũng như Sông Đốc ngày nay là nhờ vào những người đánh bắt hải sản - họ có công khai sáng ra Sông Đốc ngày nay.

SÔNG ĐỐC BÂY GIỜ

Gọi Sông Đốc là mảnh đất hội của người dân biển, quả thật không sai, vì nơi đây có hàng ngàn ngư dân sống nhờ vào nghề biển. Nếu so sánh với sáu cửa lớn như: Lình Quỳnh, Cửa Lớn, Rạch Giá, Đầm Cùng, Bảy Háp, Ông Trang, thì Sông Đốc là cửa biển lý tưởng nhất. Khi thủy triều xuống, độ sâu trên 10m, thuận lợi cho tàu thuyền ra vào. Sông Đốc có hai nghề chính: đánh bắt hải sản và dịch vụ thương mại. Ngày nay, hai nghề này vẫn tồn tại và làm nòng cốt cho Sông Đốc phát triển.

Theo ông Nguyễn Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc: Sông Đốc đã thông qua dự án quy hoạch thị xã biển đầu tiên sầm uất vào loại bậc nhất trong khu vực. Với tổng diện tích 2.824ha, với hơn 30 ngàn khẩu, người dân sống chủ yếu bằng nghề khai thác thủy sản, công thương nghiệp, dịch vụ. Thu nhập đầu người trung bình hằng năm trên 10 triệu đồng. Sông Đốc có 998 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó tàu có công suất 90CV trở lên chiếm 70%. Theo ông Tuấn, hiện nay Đảng bộ và nhân dân thị trấn Sông Đốc đang toàn tâm toàn lực tạo mọi điều kiện cho nghề cá phát triển. Bởi nghề kéo theo hàng trăm nghề khác đi lên, như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ mua bán... Hiện, có hơn 1.000 cơ sở kinh doanh buôn bán các mặt hàng như: ngư cụ, nước đá, xăng dầu, kim khí điện máy... và nhiều nhà máy có quy mô lớn đóng trên địa bàn như: Xí nghiệp chế biến thủy sản, Nhà máy bột cá... mặt hàng chế biến từ các công ty đã có mặt trên thị trường thế giới, hằng năm thu về lượng ngoại tệ khá cao, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động.

...VÀ TIỀM NĂNG DU LỊCH SÔNG ĐỐC

Sông Đốc là một phố biển đẹp. Một bên là sông Ông Đốc và một bên là biển Tây, thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Dòng sông Ông Đốc sâu, rộng, không chỉ tạo thuận lợi cho giao thông vận tải, du lịch, mà còn là một trong những bến cảng có tàu thuyền ra vào đông nhất ở ĐBSCL.

Được thiên nhiên ưu đãi, Sông Đốc nằm giữa những vùng kế cận: Hòn Đá Bạc, cửa biển Cái Đôi Vàm và ngoài khơi là đảo Hòn Chuối. Chính vị trí này đã làm nổi rõ vai trò của Sông Đốc trong khu vực, đó là nơi đón tiếp, phục vụ, trung chuyển hàng hóa, khách du lịch... Không chỉ là tâm điểm của 3 địa điểm trên, Sông Đốc còn có nhiều làng nghề biển như: làng nghề đan lưới, làng nghề làm cá khô và nhiều di tích chùa chiền... Du khách khó có thể quên  Sông Đốc khi đã đến thăm thị trấn miền biển giàu tiềm năng này.

Về văn hóa tín ngưỡng, Sông Đốc có lễ hội Nghinh Ông, còn gọi là lễ rước “Đại tướng quân Nam Hải”, được tổ chức vào ngày rằm tháng hai hằng năm. Nghề đi biển truyền thống lâu đời đã tạo nên nhiều trầm tích văn hóa nơi vùng đất đầu sóng ngọn gió này. Theo truyền thuyết, ông Nam Hải thường xuyên cứu người đi biển gặp nạn. Để tỏ lòng tôn kính, năm 1925, các bậc tiền hiền đã thỉnh xác ông, lập điện thờ. Sau nhiều lần dời đổi, lăng ông Nam Hải tọa lạc ổn định tại Khóm 2, thị trấn Sông Đốc từ hơn 40 năm nay. Về du lịch địa lý, Sông đốc có đảo Hòn Chuối, cách đất liền hơn 16 hải lý, có một chi tiết khá thú vị của người dân Hòn Chuối, đó là sống theo mùa. Gió nồm thì người dân di cư qua bãi bắc, còn gió bắc thì trở ngược lại bãi nồm. Hòn Chuối không rộng lắm, nhưng có chiến lược quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng và cũng là bình phong chắn sóng cho người dân Sông Đốc.

Hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia Mekong - Cần Thơ 2008, tỉnh Cà Mau đã lấy lễ hội Nghinh Ông ở Sông Đốc làm sự kiện du lịch của tỉnh, tạo điều kiện để Sông Đốc trở thành điểm đến hấp dẫn của tỉnh Cà Mau.

Cách đây vừa tròn nửa thế kỷ, sự kiện tập kết 200 ngày ở khu vực Cà Mau và chuyến tàu cuối cùng tại cửa sông Ông Đốc tiễn đưa những người con thân thương của Nam Bộ tập kết ra Bắc theo tinh thần của Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, là một mốc son lịch sử quan trong, đánh dấu sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm của dân tộc ta nói chung, của nhân dân Cà Mau nói riêng. Đồng thời, sự kiện trên cũng góp phần minh chứng cho đường lối đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Vì thế, trong 200 ngày tập kết đã mang yếu tố chiến lược của Đảng ta là: “Giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc”. Ý chí đó được hun đúc mãi đối với những người đi tập kết ra Bắc và những người ở lại miền Nam suốt 21 năm chống Mỹ cứu nước, giành thắng lợi vẻ vang vào ngày 30.4.1975 lịch sử... (Võ Thanh Bình – Nguyên UVTW Đảng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau).

Bài 10: Cửa biển Gành Hào

Sông Gành Hào chảy giáp ranh giữa hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, rồi đổ ra biển Đông tại thị trấn Gành Hào. Dòng sông Gành Hào thơ mộng, gắn bó bao đời với người dân vùng cực Nam Tổ quốc đã đi vào thơ ca với những làn điệu “Xề u xế u liu phạn...” tha thiết lòng người. Con sông có chiều dài 55km, tại cửa Gành Hào sâu 19m và rộng 300m. Cửa biển Gành Hào ngày nay sầm uất, với một bên là thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu và một bên là xã Tân Thuận, Đầm Dơi, Cà Mau.

Cửa biển Gành Hào - giao nhau giữa hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Bên này sông là Tân Thuận - trước kia thuộc khu vực năm của thị trấn Gành Hào, năm 1992, địa bàn được giao về cho huyện Đầm Dơi quản lý. Nhờ được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát nên đời sống bà con nơi đây đã có nhiều đổi thay khởi sắc. Đặc biệt, ấp Lưu Hòa Thanh, xã Tân Thuận còn là địa phương nổi tiếng với nghề làm muối truyền thống. Người dân miền biển không chỉ khai thác các loại hải sản quý mà còn tận dụng nguồn nước biển vô tận để cung cấp vị mặn cho đời. Muối chỉ làm vào mùa nắng gắt, bắt đầu từ tháng 11 cho tới tháng 2, tháng 3 năm sau. Với 165ha diện tích ruộng muối, năng suất 70 tấn/ha đã nuôi sống khoảng 65 hộ dân ven biển Gành Hào. Những vuông muối được cải tạo công phu, nền thật dẽ và lán bóng để đón luồng nước mặn từ biển đổ vào, rồi nhờ cái nắng chói chang của đất trời kết tạo nên những hạt muối trắng tinh. Chất mặn của muối - vị mặn của giọt mồ hôi làm cho cuộc sống con người trở nên đậm đà hơn.

Và bên kia sông là thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu, phát triển mạnh nhờ cảng cá Gành Hào - công trình có ý nghĩa nhiều mặt, tạo hiệu quả rất lớn cho các chủ thu mua và ngư dân khai thác biển. Tuy chưa thể so với cửa biển Sông Đốc, nhưng sự sầm uất ở Gành Hào cũng đã được khẳng định. Những người dân bao đời gắn bó với cửa biển này luôn tự hào trước sự thay da đổi thịt của vùng rừng biển hoang sơ “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”. Nhìn thành quả phát triển ở Gành Hào ngày nay, bà Trần Tuyết Nga - người gắn bó lâu năm với vùng đất này, kể lại: “Trước kia, xung quanh đây chỉ toàn là rừng đước, nhà dân thưa thớt, từ ngã ba Vàm Xáng đến cửa biển Gành Hào chỉ chừng vài chục hộ dân sinh sống. Bà con từ các nơi đổ về sống chủ yếu bằng nghề đáy sông, với khoảng 17 hàng đáy, chạy dài từ cửa biển tới Hộ Phòng”.

Lợi thế của Gành Hào là đã được đầu tư xây dựng cảng cá - động lực lớn cho phát triển kinh tế biển. Bởi thế, Gành Hào cũng sở hữu một lực lượng tàu thuyền khá hùng hậu, tạo nên sự sung túc cần có của một vùng cửa biển. Như bao vùng cửa biển khác, ngư dân ở Gành Hào cũng tín ngưỡng thờ cá Ông. Lăng Ông ở Gành Hào hiện nay nằm gần đường vào thị trấn và đường ra đê biển. Tại miếu thờ hiện nay có tới 4 cốt (sọ đầu) cá Ông, 9 xương sườn và khoảng mười đốt xương sống. Theo lời những người sống lâu năm nơi đây, những bộ xương này chí ít cũng có khoảng 100 năm tuổi. Lễ hội nghinh Ông ở Gành Hào được tổ chức vào ngày 9, 10, 11 tháng 3 â.l hằng năm.

Ngoài ra, ở Gành Hào còn có khu vực bờ kè thông thoáng, phân cách giữa một bên là cuộc sống hiền hòa với biển cả bao la, ồ ạt những con sóng dập thẳng vào bờ như đe dọa, như mời gọi con người tìm đến sự giàu có của nó. Đồng thời, nằm ở ranh giới hai tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, cửa biển Gành Hào còn là ranh giới xã hội, tại đây, mọi người có thể tạm quên sự chen chút, bận rộn nơi thị trấn sầm uất khi trở về bên này sông - đến với sự yên bình của quê biển Tân Thuận.

Vị trí cửa biển Gành Hào thuộc hai tỉnh khác nhau nên sự đầu tư phát triển còn chưa đồng bộ và tương xứng. Thế nhưng, cửa biển Gành Hào vẫn mang những nét đặc trưng riêng làm say lòng du khách. Dòng sông Gành Hào thơ mộng, dịu dàng “như dải tơ vàng” mãi “xuôi về biển Đông”, để cửa Gành Hào tiếp tục vươn mình ra biển lớn.

A1 - Những cửa biển ở Cà Mau
A2 - Những cửa biển ở Cà Mau
A3 - Những cửa biển ở Cà Mau
A4 - Những cửa biển ở Cà Mau
A5 - Những cửa biển ở Cà Mau
A6 - Những cửa biển ở Cà Mau
A7 - Những cửa biển ở Cà Mau - kỳ cuối

Du lịch, GO! - Theo báo Ảnh Đất Mũi

Link to full article

Comments

Popular posts from this blog

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình

London – Xứ sở diễm lệ

Cổng làng – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ