Vợ người tù lương tâm Trương văn Sương: chịu đựng khổ đau chờ chồng đến chết

Đọc báo thấy bài này đáng chú ý, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.

"Trong mấy ngày qua, cảnh đọa đầy trong 33 năm của người tù chính trị Trương Văn Sương, cựu sĩ quan quân lực VNCH, trong những trại tù cộng sản hẳn gây chấn động, sửng sốt trong công luận. Nhưng có lẽ cảnh đau khổ cũng tột cùng – trong sự âm thầm chịu đựng – của vợ ông, bà Trương Văn Sương, cũng không kém phần cảm động.

Sau 33 năm bị tù đầy nghiệt ngã trong lao tù cộng sản và được tạm tha để trở về mái ấm gia đình tại số 124/9 đường 30 tháng Tư, khóm 2, Phường 3, thành phố Sóc Trăng, người tù bất khuất Trương Văn Sương những tưởng sẽ được gặp lại người vợ hiền thân yêu từng tận tụy hy sinh cho chồng con và cả người thân và đang mõi mòn trong đợi ông.

Nhưng khi vừa bước vào trong ngôi nhà nghèo xơ xác, ông sửng sốt và nghẹn ngào chứng kiến một cảnh tượng đau khổ tột cùng, như ông mô tả: “Dạ (khóc), tôi... tôi không còn biết tôi là ai nữa (khóc)… Lúc nhìn thấy hình vợ tôi trên bàn thờ, tim tôi muốn văng (khóc)... văng ra ngòai. Trong lúc nầy tôi không còn biết tôi là ai nữa (khóc)...”

Mặc dù bà Trương Văn Sương đã vĩnh viễn từ giã gia đình và người chồng thân yêu hồi ngày 13 tháng 3 năm 2008 lúc bà được 61 tuổi, nhưng khi đến gần giờ chót – tức ngay trước khi bước chân vào nhà, ông có nhận được tin buồn nầy chưa? Ông Trương Văn Sương đáp:

“Dạ không, không bao giờ biết. Cho đến ngày mà tôi được tạm hõan thi hành án và về đến Cần Thơ rồi, tôi bảo con tôi điện cho bà xã tôi biết để ra đón. Thì con tôi nói mẹ nó bận đi về quê. Nó giấu, nó sợ tôi hay rồi tôi xúc động bất tử giữa đường. Khi về tới nhà, bước chân vô nhà, tôi thấy vợ tôi ngồi trên bàn thờ, thì bắt đầu tim tôi muốn văng ra ngòai!”

Nhắc đến người vợ hiền thân yêu, người tù bất khuất Trương Văn Sương cũng không quên kể lại nguyên nhân sự ra đi vĩnh viễn của bà: “Vợ tôi bị bệnh tim, rồi áp huyết, bao tử nữa. Gia đình nghèo. Khi vợ tôi đang gói bánh để bán, thì thấy đau ngực, tưởng đâu là ăn không tiêu nên bảo con rang một chén muối hạt, rồi quậy một chén nước muối, uống vô một cái thì bị nhồi máu cơ tim, áp huyết vỡ mạch nên chết đột biến liền tại chỗ.”

***
Thưa qúy vị, có lẽ điểm vô cùng cảm động ở đây là bà Trương Văn Sương từng khắc khỏai đợi chờ chồng trong suốt 3 thập niên để, sau cùng rồi, nguyện ước của bà được gặp lại chồng đã không thành hiện thực.

Qua lời kể lại của hai người con, ông Trương Văn Sương biết được tâm sự ấy: “Con tôi kể rằng vợ tôi khóc hàng đêm. Trong những lá thơ vợ tôi viết thì rất là đáng thương, như “mong anh, chờ anh, em là vợ của anh”. Nó có tính cách động viên tôi để sự việc được suôn sẻ, để tôi cũng là bình thường như những người tù khác, được sớm trở về sum họp với gia đình. Chớ thật ra vợ tôi không có gọi là quan điểm hay chính trị gì cả, mà chỉ mong muốn chồng sớm về ở bên cạnh để có thể chia sẻ nỗi đau buồn trong những ngày khổ, để vợ chồng, con cái cùng sống hạnh phúc bên nhau, dù no hay đói.”

Ngược dòng thời gian, khi còn sinh tiền, bà đã tảo tần ra sao, lúc chồng tiếp tục triền miên trong vòng lao lý, để lo cho con – và cả người thân – trong gia cảnh thường xuyên túng thiếu ?

Ông Trương Văn Sương cho biết: “Tôi nghe các con kể lại tôi rất xúc động. Trong thời bao cấp, vợ tôi bưng từng rổ cá đi bán từ đầu nầy qua đầu nọ. Có bữa đủ mua gạo ăn, có bữa thiếu gạo ăn. Mấy mẹ con có bữa đói, bữa no. Sau đó mẹ con nó mới quay sang làm bánh đi bán rong ở đầu đường xó chợ. Nói tóm lại gia đình tôi là gia đình bị trù dập, khổ lắm, không vốn liếng, không ai giúp đỡ. Chẵng những thế, cộng sản còn cho người đến trêu ghẹo vợ tôi với tính cách làm nhục, trả thù cho một sĩ quan mà họ gọi là “Mỹ ngụy”.

Ông Trương Văn Sương nhân tiện nhắc đến những đức tính cùng sự hy sinh vô bờ bến của vợ mà lấy làm thương tiếc một người đã hết sức chịu đựng mọi nỗi khổ đau: “Vợ tôi có đức tính hy sinh rất cao, không nghĩ đến bản thân, một phần vì xuất thân từ gia đình nghèo, em đông. Lúc đói khổ thì chịu bữa đói, bữa no. Khi làm có ăn thì vợ tôi cũng chia xớt cho em, cho mẹ. Cuối cùng, khi ngã bệnh và chết rồi, thì chỉ còn 2 bàn tay trắng.

Tôi cảm thấy rất đáng thương và tội nghiệp cho một người đàn bà quá đau khổ và hết sức chịu đựng. Coi như không tưởng tượng nỗi những năm tháng mà vợ tôi phải khổ đau.”


Ông bà Sương thoạt đầu có tổng cộng 4 người con, gồm 3 trai, một gái. Nhưng hòan cảnh gia đình khó khăn và định mệnh an bài khiến người con gái thứ nhì và người con trai út của ông sớm vĩnh viễn ra đi. Giờ ông còn lại 2 người con trai đã trưởng thành trong nghịch cảnh là Trương Văn Dũng và Trương Tấn Tài.

Cháu Trương Văn Dũng tâm sự trong nỗi nghẹn ngào: “Mẹ con ra đi rồi thì con chỉ biết cắn răng chịu đựng. Con rất là đau buồn. Rồi khi nằm dưới đất, vì thần kinh con suy nhược, con bị tai biến. Mỗi lần nằm xuống là con nhớ tới mẹ, tới cha con và con bị khủng hỏang, làm như nhớ tới giai đọan đó con bị khủng hỏang, thường la lớn trong giấc ngủ.

Lúc đó con nhớ lại là hồi đó ông của con dạy con rằng khi nào mình ngủ không được và bận tâm quá thì mình niệm Phật. Nhờ câu của ông con nhắc mà con mới sống sót tới ngày hôm nay để gặp ba con (nghẹn ngào). Chớ tâm trạng của con rất là đau. Khi nào ngủ không được con mới niệm Nam Mô A Di Đà Phật, Bồ Tát Phật. Con niệm hòai cho đến khi nào con quên và ngả ra ngủ, thì con mới ngủ được.”


Và cháu Trương Tấn Tài cũng không cầm được nước mắt khi nghĩ đến mẹ: “Mất mẹ rồi, chuyện gì con cũng phải còn vợ còn con của con. Sau khi con không được ở chung với mẹ, với anh, con về bên vợ sống. Và con cũng lập một bàn thờ. Có người hỏi thì con xin thưa rằng tại vì con thương nhớ mẹ con quá nên không biết làm sao, mà đường xá ra nhà anh một lần đi cũng rất trắc trở, nên con mới hoạ một tấm hình mẹ, hàng đêm đốt nhang để tưởng nhớ mẹ. Tấm lòng của con chỉ được như vậy thôi. Chớ lúc mẹ còn sống thì con không có tiền bạc gì để cung cấp cho mẹ (khóc). Mà khi mẹ mất rồi (khóc), thì con không biết làm gì đây. Khi đó hòan cảnh gia đình nghèo thì cháu cũng không làm gì được hết (khóc). Chỉ biết họa một tấm hình lên để tưởng nhớ đến mẹ thôi.”

Từ hòan cảnh lao lý dài lâu của chính mình, tù nhân chính trị bất khuất Trương Văn Sương mong muốn có một giải pháp chính trị nào đó, chứ không mong ở lòng nhân đạo của giới cầm quyền, để giúp những tù nhân chính trị khác được sớm thoát khỏi cảnh lao tù khắc nghiệt: “Dạ, trong những ngày bị lao tù, tôi cũng mong một ngày nào đó có được một giải pháp chính trị để họ thả tôi ra, thì tôi về bày tỏ nỗi thương vợ thương con, bù đắp lại tình cảm trong những ngày thiếu vắng, cô đơn.

Thật ra tôi không nghĩ rằng họ có nhân đạo thả tôi, hoặc tôi cũng không nghĩ rằng tôi là người cải tạo tiên tiến để được đặc xá hay giảm án, tha án gì. Tôi mong rằng có một giải pháp chính trị nào đó để giúp giải quyết cho những người tù chính trị.”


***
Thưa qúy vị, qua trường hợp tù nhân lương tâm bất khuất Trương Văn Sương bị giới cầm quyền cộng sản Việt Nam giam giữ tổng cộng 33 năm, chúng tôi được biết hiện vẫn còn những tù nhân chính trị bị giam giữ lâu năm như ông Trương Văn Sương, và, nói theo lời tác giả Lê Minh trong bài “Trương Văn Sương: Người Tù Bất Khuất”, thì “còn có biết bao người tù chính trị ‘vô danh’ khác hiện đang bị giam đâu đó trong hơn 80 trại tù lớn nhỏ rải rác trên khắp đất nước Việt Nam”./."


( Viet vung Vinh, http://www.vietvungvinh.org/index.php?option=com_content&view=article&id=1186:vo-nguoi-tu-luong-tam-truong-van-suong-chiu-dung-kho-dau-cho-chong-den-chet&catid=46:chinh-tri-xa-hi&Itemid=82 )

Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/14185902

Comments

Popular posts from this blog

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình

London – Xứ sở diễm lệ

Cổng làng – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ