Sài Gòn vé số xổ liền!

Đọc báo thấy bài này đáng chú ý, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.

"Sài Gòn Cô Nương/Người Việt

Cứ nói đến xổ số, người ta thường nhớ tới bài hát ‘Xổ số kiến thiết quốc gia, quái kiệt Trần Văn Trạch hát vào chiều Thứ Ba mỗi tuần ở rạp Thống Nhất vào lúc bắt đầu và kết thúc buổi xổ số.

Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Xây đắp muôn người
Ðược nên cửa nhà

Tô điểm giang san
Qua bao lầm than
Ta thề kiến thiết
Trong giấc mộng vàng

Triệu phú đến nơi
Năm mười đồng thôi
Mua lấy xe nhà
Giàu sang mấy hồi

Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Ấy là thiên chức
Của người Việt Nam

Mua số mau lên
Xổ số gần đến
Mua số mau lên
Xổ số...
gần... đến...


Giải độc đắc rất lớn. Một ông từng mua được nhà in ở đường Phạm Ngũ Lão nhờ tấm số trúng độc đắc.

Trước kia chỉ có thành phố lớn mới có nhưng nay vé số phát hành khắp các tỉnh thành.

Mỗi tỉnh đều xổ số. Miền Trung có Quảng Bình, Gia Lai, Ninh Thuận... Miền Nam có hơn hai chục công ty: Bình Dương, Cà Mau... Ngày nào cũng vài nơi xổ: Thứ Tư Sóc Trăng, Ðồng Nai, Cần Thơ; Thứ Ba: Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu... Xổ số nhiều quá nên có công ty từng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách mang vé số của mình sang tỉnh bên cạnh bán hạ giá.

Số đề được nhiều người ưa thích vì đánh ít mà ăn nhiều. Tuy nhiên ‘đề’ không công khai, luôn luôn bị nhà nước truy quét. Trúng đề lớn quá cũng dễ bị nhà cái xù. Vì thế để hợp pháp và bảo đảm trúng số lãnh đầy đủ thì hầu hết người dân mua vé số.

Ðó là niềm hy vọng duy nhất mang đến cơ hội đổi đời nhất là người nghèo nên nhiều người dành hẳn ra một số tiền cố định để mua số mỗi ngày.

Ông xe ôm đầu hẻm dù đắt hay ế khách đều đặn một vé, nhà thơ HND vợ phát hai chục ngàn ăn sáng, ông chỉ uống ly cà phê đen, đổi bữa điểm tâm lấy hai tờ vé số... Ngày nào cũng cố gắng đều đặn như thế. Tờ vé số vài ngàn thôi nhưng hy vọng đặt vào đó rất lớn. Chị bán rau sáng sớm đang bày hàng nhưng vé số đi ngang mua liền hai vé.

Hỏi buôn bán lời lóm bao nhiêu mà đã chi hai chục ngàn. Chị phẩy tay rộng lượng, ‘Vô chừng cô ơi, nghèo mua giùm cho nhau đó mà.’

Nhiều người khác không thiếu tiền nhưng vẫn mong trúng mặc dù theo lý thuyết, tỷ lệ trúng số chỉ là 0.01%. Vé số mua đều đặn không vì mục đích tậu nhà đất, có vốn xoay xở, cho con cháu... mà thuần túy theo thói quen, như là máu cờ bạc vậy. Mỗi người một cách mua số khác nhau. Bà bán quần áo ngoài chợ cầm nguyên xấp vé lật lật chọn rút ra hai tờ, nhét vào giữa xấp tiền, cất vào bóp lẹ làng, như tờ vé số là một trong số những tờ tiền.

Người chuyên chơi vé số có nhiều cách mua. Có người chỉ mua vé số phút chót cận giờ xổ thường được coi là giờ may mắn, có người lại mua tờ vé được mời đầu tiên trong ngày, người khác nuôi con số đặc biệt nào đó như người ta nuôi số đề vậy. Mỗi người tìm con số hên riêng cho mình. Mua từ người già hay trẻ con, mua của người lạ hay quen, mua tình cờ hay chỗ cố định... Bàn vé số nào có vé trúng độc đắc hôm sau thế nào cũng có người tới hốt nguyên bàn.

Thật ra vé độc đắc khó trúng lập lại cùng một nơi. Người chơi vé số nay mua chỗ này mai mua chỗ khác vì ông thần may mắn biết ghé chân chỗ nào. Dường như đàn ông mua số nhiều hơn phụ nữ. Người già đâu còn biết kiếm tiền ở đâu nên chăm chỉ mua vé số. Ðó cũng là thú tiêu khiển. Buổi sáng mua tờ vé số, buổi chiều lo dò số. Như thế cũng có chút việc bận rộn trong suốt một ngày quá rảnh rỗi, biết đâu lại trúng số có tiền lo đau ốm, hậu sự và cho thêm cho con cháu, đỡ nhờ vả đến chúng.

Dù sao trước kia vé số giá chỉ một ngàn, hai ngàn, năm ngàn. Sau tăng lên hai loại, năm và mười ngàn đồng. Ðộc đắc cho hai loại này là hai trăm năm chục triệu và một tỉ rưỡi. Giá khá cao nên số người mua giảm đi rõ rệt. Trước kia không chơi vé số nhưng gặp dịp, người ta vẫn có thể mua giúp cho người già hoặc người tàn tật tấm vé số như một sự giúp đỡ, sẻ chia nhưng nay, nhiều người tính toán kỹ lưỡng các món chi tiêu trong nhà, việc mua giúp ấy có phần hạn hẹp lại. Số khác vẫn tiếp tục mua vé số với hy vọng giá cao thì trúng cao. Thật ra, độc đắc ngày xưa tậu được căn nhà in ở thành phố chứ bây giờ chỉ mua được căn nhà nhỏ hay chung cư ven đô thôi.

Nếu trúng số, trừ phi mua dọc đường, còn thì người bán so cùi biết ai trúng tìm tới xin thưởng ngay. Quan niệm Lộc bất khả hưởng tận nên khi trúng độc đắc, bao giờ người trúng cũng phải chia tặng cho những người chung quanh, để ra ít nhiều cho từ thiện để tránh chuyện xui xẻo được cho là hay đi cùng với những may mắn lớn.

Theo lẽ, vé của tỉnh nào trúng thì phải đến tận nơi đó lãnh tiền nhưng vì quá nhiều tỉnh ra vé số, và xem chừng dân thành phố mua nhiều nhất nên một số tỉnh mở văn phòng ở thành phố để người trúng khỏi phải đi xa lãnh.

Trong thực tế, không ai xuống tỉnh lãnh giải cả mà thường mất phần trăm cho đại lý để họ mang tiền đến tận nhà. Bởi vậy có người rửa tiền bằng cách mua lại từ đại lý các vé số độc đắc cặp.

Ðổi số từ đại lý đơn giản và mau chóng, chỉ cần đưa tờ vé số ra là đại lý chung tiền ngay trong khi có lần vé trúng bị công ty xổ số từ chối phát thưởng vì cho là là vé giả gây kiện cáo mãi. Ðại lý chung tiền cho vé trúng bất kể ít nhiều nhưng nếu chỉ vài trăm ngàn, người trúng có thể đổi ngay ở người bán vé số rong. Vì trúng ít nên những người này không ăn công đổi. Bù lại nên mua cho họ ít tờ vé số nữa.

Qua đài phát thanh, giờ xổ số vừa chấm dứt, các bàn vé số bán ngay bản dò số năm trăm đồng một tờ.

Chưa khi nào người bán vé số đông như bây giờ, cứ ngồi quán cà phê vỉa hè một lúc, vé số rong nườm nượp đi qua chìa nguyên tập. Một tờ vé số lời mười phần trăm. Tức là lời năm trăm đồng cho một tờ vé số giá năm ngàn và một ngàn đồng cho tờ mười ngàn. Một người chịu khó đi suốt ngày khoảng mười cây số sẽ bán được một trăm vé lời một trăm ngàn đồng. Ðây là công việc tự do, không chịu quyền hành chủ trên, người dưới. Nếu không muốn ngồi một chỗ với chiếc bàn vé số cố định dưới gốc cây, cạnh cột đèn thì đi bán rong lời nhiều hơn, chỉ cần sức khỏe và đôi chân dẻo dai đi bộ dãi dầu mưa nắng, len vào hàng quán, thả rong khắp đường sá, ngõ hẻm.

Trước cửa các đình miễu nghe đồn linh thiêng luôn tập trung nhiều người bán vé số, kể luôn đám ma, cổng nghĩa trang vào các ngày lễ lớn... là những nơi nếu khấn khứa thành tâm, cõi âm có thể mách cho những con số hên!

Nhất là Mùa Hè, trẻ con nhà nghèo đổ xô đi bán vé số để giúp đỡ gia đình hoặc kiếm tiền đóng học phí, mua sách vở cho niên học mới. Một số người lớn tuổi, con cái trưởng thành không cần lo lắng nhưng vẫn đi bán vé số vì muốn cuộc sống độc lập, khỏi nhờ vả con cháu. Ðây cũng là một cách kiếm tiền đơn giản và chắc chắn vì nếu không bán hết, vé có thể trả lại đại lý thay vì buôn bán thứ gì bây giờ cũng sợ ế chôn vốn hay lỗ vốn.

Người bán vé số không ăn mặc luộm thuộm mà rất gọn gàng. Phụ nữ đứng tuổi mặc đồ bộ nhưng các cô gái thường mặc quần jean, áo thun, áo khoác, tay chân mang vớ, đội mũ rộng vành, che khẩu trang tươm tất. Nhiều cô không phải chuyên nghiệp bán vé số mà có thể là thợ may, bán hàng ăn... Vào lúc nghỉ, nhất là buổi tối, họ mới đi bán vé số như một cách kiếm thêm. Một số trẻ em còn mặc nguyên áo đồng phục.

Dù sao nghề bán vé số cũng sinh biến tướng. Câu “Vé số xổ liền” ám chỉ những cô gái bán hoa giả dạng người bán số rong chào mời lơi lả khách nam giới.

Ông Tuấn ở Ngã Tư Bảy Hiền gần tám mươi mỗi chiều ra quán gần nhà ngồi uống chai bia. Ông lọt vào mắt một cô nên sau thời gian ngắn dốc sạch túi cho cô vé số “xổ liền”, ông về nhà đòi bán miếng đất dưới quê để tiếp tục nuôi dưỡng mối tình vé số.

Bán rong ngoài đường ẩn chứa rất nhiều bất trắc. Người bán vé số bị bắt nạt, bị giật vé, giật tiền, trẻ con bị lạm dụng... Hầu hết người bán vé số đều là người già, trẻ em, phụ nữ, tàn tật, là những người không có khả năng tự vệ trước những tai họa bất ngờ. Dù sao khi không có nghề chuyên môn, không biết làm gì kiếm sống thì bán vé số là công việc cuối cùng được nghĩ tới cho những người chân yếu tay mềm này. Vì thế đội ngũ người bán vé số không ngừng gia tăng."


( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=115882&z=1 )

Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/14011532

Comments

Popular posts from this blog

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình

London – Xứ sở diễm lệ

Cổng làng – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ