Về với Tuy An

Một ngày mùa hè, bạn hãy cùng tôi về với Tuy An, lắng nghe thời gian lan tỏa trên lòng bàn tay, chân bước trên những trầm tích trăm năm và thưởng thức những món ăn dân dã ngon lành.

1. Thị trấn Tuy An (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) cách TP Tuy Hòa 30km về phía bắc theo quốc lộ 1A, từ đây xuôi theo hướng đông khoảng 10km là tuyệt tác thiên nhiên ghềnh Đá Đĩa. Nhưng trước khi đến với kiệt tác thiên nhiên ấy, trên đường đi chúng ta cùng nhau ăn sáng nhé! Chẳng cần phải suy nghĩ lâu, bánh hỏi lòng heo ăn với bánh tráng Hòa Đa (xã An Mỹ) thì còn gì tuyệt vời hơn? Quán khiêm nhường, lặng lẽ hơn so với sự nổi tiếng của nó, không biển hiệu, không quảng cáo nhưng thu hút thực khách theo kiểu rất riêng của mình.

Đó là người thành phố thèm ăn một bữa sáng với những miếng lòng còn nóng hổi, là du khách đến với Phú Yên được giới thiệu đặc sản của Tuy An và cả những vị khách “chân đất” thỉnh thoảng ghé quán cho đỡ ghiền. Lòng heo được lấy ngay tại lò mổ từ 4g sáng còn bốc khói, bánh hỏi được đặt làm, nước mắm do chính tay chị chủ quán ủ sóng sánh vàng, còn bánh tráng được lấy từ làng nghề hơn 200 năm tuổi.

2. Nắng đã vàng hơn khi chúng ta rời ghềnh Đá Đĩa với những phiến đá lục lăng chồng lên nhau lấn dần ra biển, tạo nên một thắng cảnh độc nhất vô nhị. Chẳng thể chần chừ, phải tiếp tục cuộc hành trình bởi đất Tuy An này luôn làm mê mải bước chân du khách với những trầm tích hàng trăm năm tuổi. Điểm đến kế tiếp là nhà thơ Mằng Lăng nhé!

Trong tác phẩm Xứ Đàng Trong năm 1621, theo nhà truyền giáo người Ý Cristophoro Borri, lúc đó có ba cảng thị chính là Hội An, Nước Mặn, Thanh Chiêm và đây cũng chính là ba trung tâm truyền đạo của Đàng Trong. Các nhà truyền giáo đặt cơ sở tại Nước Mặn (huyện Tuy Phước, Bình Định), bắt đầu xây dựng những cơ sở truyền đạo ở Phú Yên, trong số đó nhà thờ Mằng Lăng (xã An Thạch) là một trong những giáo đường cổ kính và còn nguyên vẹn nhất. Đây cũng là nơi lưu giữ cuốn sách quốc ngữ đầu tiên của VN.

< Những gì còn lại của thành cổ An Thổ.

Nhà thờ Mằng Lăng có kiến trúc theo phong cách Gothic, đẹp và hài hòa với thiên nhiên. Tiếng thời gian in dấu trên những bờ tường rêu phong xây bằng những phiến gạch đã có tuổi nhiều thế kỷ, trên những hoa văn chạm trổ cầu kỳ ở những cánh cửa gỗ nặng và dày...

Thời gian vừa như lắng đọng cho ta theo dòng lịch sử mà cũng trôi thật nhanh khiến bụng đã sôi lên. Phải tìm chỗ ăn trưa rồi!

3. Còn gì tuyệt hơn khi được ngồi ăn trưa giữa một nơi mà ta tưởng tượng hàng trăm năm trước tấp nập thương lái đến “ăn” hàng. Làng gốm Quảng Đức, làng lụa Ngân Sơn vang bóng một thời bây giờ chỉ còn trong ký ức, nay là một làng nhỏ yên bình nằm ven sông.

Ngồi trong quán nhỏ ven dòng Ngân Sơn giữa hai làng nghề cổ với đập Tam Giang nối đôi bờ, trong khi đợi món ăn hãy dõi mắt theo những chiếc thuyền nan nhỏ xuôi dòng. Rồi trong tiếng gà trưa cục ta cục tác, ta tận hưởng vị thơm ngậy của con cá mương nướng mặc gió sông táp vào da mặt, cảm nhận cuộc đời an bần lạc đạo sao mà đáng sống!

4. Nắng chiều bắt đầu ngả bóng. Lần ngược lại theo lối vừa đi, đến ngã ba Chí Thạnh rồi xuôi theo con đường thiên lý nam - bắc, độ 20 phút sau đã đến thành An Thổ, thủ phủ của Phú Yên xưa.

Thành có bình đồ hình vuông, mặt tiền quay về hướng đông, mặt nam cách sông Phú Ngân (nhánh của sông Cái) khoảng 400m, mặt bắc cách sông Vét (sông Con) khoảng 150m, bao quanh là chiến hào, rồi đến thành ngoại và bên trong thành nội là công đường của các quan lại nhà Nguyễn. Thời gian đã xóa dần dấu vết của thành xưa, nhưng nếu lần theo thư tịch cổ bạn sẽ bất ngờ khi biết chỗ mình đang ngồi ngày xưa là nơi lính tráng canh giữ thành với tiếng vó ngựa rền vang...

< Chùa Đá Trắng.

Về Tuy An mà không đến chùa Đá Trắng (Từ Quang tự) là một thiếu sót. Chùa tọa lạc trên núi Bạch Thạch thuộc xã An Dân, được xây dựng từ năm 1797 trên núi toàn đá trắng. Chắc năm xưa khi chọn nơi này hòa thượng khai sơn muốn từ đây có thể ngắm cảnh sông đang xuôi bên dưới, đồng cỏ trù phú yên bình xung quanh.

Từ chùa nhìn xuống là dòng Ngân Sơn mềm mại như dải lụa uốn lượn ôm lấy núi. Khí thiêng sông núi tụ hội, chùa trở thành căn cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa hưởng ứng chiếu Cần Vương. Vườn chùa có một giống xoài ngon nổi tiếng - xoài tượng Đá Trắng, tương truyền dưới thời nhà Nguyễn còn có tên gọi là “Nhị bảo ngự thiên”, hằng năm đem tiến vua.

Chiều rơi thật nhanh, tiếng chuông thu không đã đổ. Đã đến lúc quay lại Tuy Hòa trước khi trời tối hẳn, trên đường về bạn đừng quên ghé đầm Ô Loan thưởng thức món sò huyết ngon nức tiếng!

- Theo Dulich Tuoitre, internet

Comments

Popular posts from this blog

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình

London – Xứ sở diễm lệ

Cổng làng – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ