Trên cao nguyên Đồng Cao

Đồng Cao (xã Thạch Sơn, huyện Sơn Động) được ví như một Tam Đảo hay Mẫu Sơn của Bắc Giang. Nghe giới thiệu về địa danh này đã lâu nhưng gần đây tôi mới có dịp đến từ lời mời của những người bạn yêu du lịch tỉnh nhà.

Đoàn chúng tôi mười người đến Đồng Cao trong hai ngày cuối tuần. Đúng 8g xe xuất phát từ TP Bắc Giang, trực chỉ hướng đông bắc, sau gần 90km đưa chúng tôi đến trung tâm xã Thạch Sơn.

< Chinh phục hang Vua.

Đường gập ghềnh trơ sỏi đá sau trận mưa đêm trước, xe phải dừng ở bản Đồng Băm, cách Đồng Cao khoảng 5km đường rừng. Chúng tôi huy động cả bản được bốn xe máy nhưng chẳng ai đủ can đảm cầm lái nên phải nhờ mấy trai bản đưa đường, dẫn lối. Một nửa số người trong đoàn đành cuốc bộ, chờ xe đến đón với hi vọng đến nơi trước khi trời tối và nếu trời mưa to chỉ còn cách qua đêm tại Đồng Cao.

Chiếc xe máy Trung Quốc của Thắng, chàng trai người Cao Lan, đưa tôi vượt dốc, đổ đèo liên tiếp qua những khúc cua tay áo - một cung đường đáng giá cho “dân phượt” lang thang. Ngồi sau lưng Thắng có những lúc tôi rợn cả người!

Bản Đồng Cao có 24 hộ dân tộc Dao, nằm lọt thỏm giữa một thung lũng mây mù, thật hoang sơ và còn xa lạ với nhiều người, phần vì ẩn trong các triền núi trùng điệp, phần do đường sá khó khăn. Những nếp nhà đất lúp xúp nằm cheo leo trên sườn núi mây mù giăng giăng.

< Ông Triệu Tiến Thoòng dẫn đoàn xuyên rừng.

Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Triệu Tiến Thoòng, 72 tuổi, dân tộc Dao. Rót cốc nước vối mời khách, ông Thoòng kể ngày xưa nơi đây cây cối um tùm, đầy rẫy thú dữ với ngút ngàn sơn lam chướng khí; vài năm gần đây có ý tưởng xây dựng mô hình trồng rau đặc sản, nuôi bò sữa trên thảo nguyên này nhưng không hiểu sao đến nay chưa thực hiện được. Vì thế bản vẫn trong danh sách nghèo nhất tỉnh, điện lưới quốc gia chưa đến, đất nông nghiệp hạn chế, mỗi năm canh tác hai vụ lúa song cũng chẳng đủ ăn.

Sống cách chợ Vân Sơn nửa ngày đi bộ nên dân bản cả tháng mới xuống chợ đôi lần để mua sắm những thứ thiết yếu.
Trong khi đó khí hậu ở Đồng Cao quanh năm mát mẻ, giữa mùa hè nhưng ban đêm phải đắp chăn bông. Lại có nhiều cảnh đẹp. Ông Thoòng dẫn chúng tôi đi thăm thú một vòng qua những thắng cảnh địa phương. Đầu tiên là hang Vua trên núi Vua với vách đá dựng đứng, từ trên cao nước tuôn thành hạt xuống trông thật đẹp mắt, nhưng ông Thoòng cũng không rõ vì sao người Dao lại gọi nơi này là hang Vua.


< Trên thảo nguyên xanh.

Từ núi Vua chúng tôi dạo bước trên thảm cỏ xanh giữa thảo nguyên mênh mông, đó đây là những trảng cây bụi thưa thớt, hoa mua, hoa dại ẩn hiện trong lớp mây mù, đâu đó vẳng lại tiếng mõ gỗ lộc cộc của đàn trâu trên bãi cỏ non… Chúng tôi thích thú tìm hái trái sim rừng như thể chưa bao giờ được ăn thứ quả dại này. Dưới lớp mây mù giăng mắc, mọi người nằm trên bãi cỏ nghe hơi lạnh tràn qua da thịt dù đang giữa mùa hè nóng bức.

Rồi chúng tôi bất ngờ phát hiện một quần thể đá to lớn với nhiều hình thù nằm bên kia đồi. Những khối đá san sát nhau nổi bật giữa không gian mênh mông như có sự sắp đặt của bàn tay con người. Chiều dần buông, đứng trên đỉnh núi Vua phóng tầm mắt xa xa, bản Đồng Cao ẩn hiện trong mây mù. Phía chân đèo nhà ai đang bắt đầu nổi lửa, khói lam chiều nghi ngút bay lên.

< Đá trên cao nguyên Đồng Cao.

Chúng tôi xuống núi khi bước chân đã nặng trĩu. Khi ánh trăng vừa ló phía sau nhà cũng là lúc đoàn quây quần dùng bữa tối bên góc sân một gia đình người Cao Lan tại bản Đồng Băm. Trong ánh đèn tù mù của điện bình ăcquy, chủ lẫn khách thoải mái bên nhau với ly rượu mềm môi thơm nồng.

Theo trưởng đoàn Lưu Xuân San - giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Giang, ngành du lịch tỉnh đã có những khảo sát, đánh giá, tiến tới xây dựng tuyến, điểm du lịch tại Sơn Động, trong đó Đồng Cao là một trong những điểm nhấn quan trọng của hành trình này. Đó là cơ hội hé mở để cuộc sống nơi đây phát triển, góp phần giúp người dân Đồng Cao thoát cảnh nghèo.

- Theo Dulich Tuoitre

Comments

Popular posts from this blog

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình

London – Xứ sở diễm lệ

Cổng làng – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ