Madagoui - Đạ Tẻh: hành trình tìm thác và đèo... (Phần 18)

Mình đi chuyến này vô tình trùng khớp với Lễ Vu Lan, rằm tháng 7 nên các chùa có lượng khách đông. Ngay từ hồi quẩn quanh ở Chùa Di Đà đã thấy nhiều bạn trẻ đèo nhau trên những xe gắn máy chạy ra chạy vào, vừa người địa phương, vừa có thể là khách du lịch. Ở tu viện này còn đông hơn gấp nhiều lần.

Tại Lâm Đồng: Ngoài Thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt thì vùng này còn có một tu viện đẹp không kém đó là Tu viện Bát Nhã ở thôn 10 - xã Damb'ri thuộc thị xã Bảo Lộc.
Tu viện Bát Nhã là một công trình kiến trúc độc đáo kết hợp với không gian thiên nhiên đẹp. Đây cũng là một trong những điểm tham quan của du lịch Đà Lạt kề cận cụm thác Damb'ri và Dasara.
"Tu viện Bát Nhã tọa lạc trên ngọn đồi có diện tích hơn 18 ha, cách thị xã Bảo Lộc khoảng 15km, cách thác Damb'ri khoảng 2km. Tu viện xây dựng năm 1992 do thượng tọa Thích Đức Nghi (niên trưởng của Tổ đình An Lạc - Bảo Lộc) khai sơn, đến năm 1998 thì hoàn thành...

... Nằm giữa không gian mênh mông, bạt ngàn đồi chè xanh thẳm, tu viện Bát Nhã thoát hiện với gam mầu đỏ tươi với mái ngói cong vút nổi bật trên nền trời cao nguyên lộng gió. Ngắm nhìn tu viện từ xa, du khách có thể cảm nhận có một chút gì đó rất nhẹ nhàng, thanh bình đang len nhẹ vào tâm hồn. Sự nhẹ nhàng ấy được mang lại từ những chi tiết rất nhỏ của kiến trúc tu viện: Điểm đầu tiên là hàng rào bao quanh mặt trước tu viện.
Hàng rào không xây bằng gạch mà được xếp bằng những tảng đá bôxít có gam mầu đỏ giống như mầu của đất đỏ bazan. Trên hàng rào cỏ mọc xanh như lụa, làm dịu đi sự thô cứng của đá. Bước vào cổng Tam Quan, du khách phải đi qua hơn một trăm bậc thang để vào sân tu viện.

Trước sân tu viện là bốn trụ cột xây cao vút giữa mênh mông mây trắng. Bên trái sân tu viện là một hồ nước rộng có hòn giả sơn rất đẹp. Chính giữa hồ nước là tượng Quan Thế Âm cao 3,5m được đúc bằng xi-măng. Bên hông trái sân tu viện là vườn Lâm Tỳ Ni (nơi Đức Phật Đản sinh); khu vườn được trang trí, phối cảnh rất công phu tỉ mỉ, kết hợp hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên và nghệ thuật kiến trúc. Chánh điện dài 70m, rộng 45m; bên trong tôn trí tượng Phật Thích Ca cao 2,8m. Toàn bộ bàn thờ và cửa ra vào chánh điện làm bằng gỗ hương, được chạm khắc rất tinh vi.

Tu viện Bát Nhã có 25 lớp học tình thương với hơn 1.000 cháu là con em của bà con nông dân nghèo. Các lớp có tên Sen Hồng, Sen Trắng được mở tại Bảo Lộc, Bảo Lâm và cả trong những buôn làng xa xôi thuộc tỉnh Lâm Đồng.

Còn tại tu viện: phòng khám Tuệ Tĩnh Đường, khám và chữa bệnh từ thiện đã đi vào hoạt động được ba năm (Theo Thoduongdl)".
< Nhà ăn.

Gởi xe vào bãi thì chỉ hơn 11h đôi chút, bọn này tham quan một vòng tu viện chụp ít tấm ảnh rồi ghé vào trai đàn, nơi khách thập phương dùng bữa. Lần đầu ăn cơm chùa nên ngại ngần đôi chút, thật ra cứ ngồi xuống bàn - bao giờ đủ lượng khách cho một mâm (nói nôm na là "đủ tụ") thì những người phục vụ công quả của chùa sẽ mang chén bát, thức ăn ra thôi.
Hình như giờ này so với những người khác là đã khá trễ nên người ta nhẹ nhàng nói cho biết là không còn bún, xin khách dùng cơm và mì... chung quy là bao sòng cuối: còn chi ăn đó, cảm thông vậy.

< Xong bữa thì rửa mặt, rửa tay rồi bà xã ghé vào đây: Ăn nhờ cửa Phật, cúng dường chốn tiên.

Nói là còn gì ăn đó nhưng các món ăn ngon lắm dù chỉ là đồ chay, ăn vừa lạ miệng vừa no lòng.
Bắt chuyện với anh chị ngồi cùng bàn khá rôm rả, hồi sau ra sân lại gặp thêm lần nữa xem như duyên kỳ ngộ. Từ chuyện này mới nẩy ra vụ ghé thăm chùa Phước Huệ, lớn nhất tại Bảo Lộc.

< Rời tu viện Bát Nhã xuôi về Bảo Lộc.
< Anh tên Tỉnh, chị là Thanh... đang chạy phía trước dẫn đường do bọn mình không thể từ chối lời mời.
Xứ cao nguyên có khác: bạn trông trời nắng đẹp vậy chứ thay đổi nhanh lắm. Lúc ở tu viện, chị Thanh đã nói: đi nhanh kẻo mắc mưa.
< Thả dốc rồi lại lên đỉnh đồi...
< Rồi lại dốc...
Nhìn phía trước không thấy nhưng nếu bọn này "đào tẩu" là anh chị ấy sẽ trở ngược lại tìm ngay - hi hi...
< Xem ra khung cảnh Bảo Lộc cũng không thua kém gì Đà Lạt nhỉ.
< Mưa nặng hạt rồi, anh Tỉnh đón và gọi vào đây trú mưa: nhà một người quen của anh chị ấy.
Cơn mưa kéo dài cả giờ, khách lẫn chủ đốt thời gian qua nhiều câu chuyện rôm rả.
Vừa tạm dứt hạt thì gặp ngoài kia một đoàn mô tô hơn trăm chiếc chạy về Bảo Lộc - chiếc nào cũng có cờ đỏ nhỏ, cắm phía trước: Một chuyến diễu hành hay một phen lượt phượt của một hội xe máy nào đó?
Ngớt cơn mưa, anh chị ấy cùng bọn mình lại lên đường.
Thủ phủ Bảo Lộc giữa trưa nhưng mát lạnh với mặt đường loang loáng nước. Quẹo vài ngã rẽ thì đến đường Trần Phú, ngôi chùa lớn nhất thành phố ở đây, bên cạnh là nhà thờ Bảo Lộc.
Chánh điện của chùa Phước Huệ đây: trang nghiêm nhưng ấm nồng dù bên ngoài vẫn còn mưa lất phất.

Anh chân thành mời về nhà chơi, tiện thể ở lại đến sáng mai về.
Bọn mình cảm ơn nhưng phải từ chối vì đã đi từ sớm đến giờ (Mai về, chắc khách sạn lo cuống, he he...)

< Và theo như lời hứa của mình lúc đó, xin được đưa ảnh anh Tỉnh, chị Thanh lên đây - gọi là chút kỷ niệm gởi bạn phương xa.
< Rời chùa - ảnh là một góc của thành phố Bảo Lộc.

Đưa bọn mình ra QL20, thêm một đoạn dài đến tận ngã rẽ nhà: anh chị vẫy tay từ giã. Trái đất tròn, sau này có dịp thì bọn mình sẽ ghé nhà đó nhé.
< Ghé trạm xăng trên QL20 làm một bình cho hả giận: 6 lít, sướng cái sự đời, cho hả cơn "thiếu đói" của xế Win từ xế trưa đến giờ!

Chỉ cách 180km ngay trên đường đến Đà Lạt, Bảo Lộc là đô thị cao nguyên gần Sài Gòn nhất. Ngày xưa chốn này là xứ B'Lao nhưng bây giờ: B'Lao chỉ là tên của một phường trong thị xã, cũng là danh từ bất tử của một thương hiệu trà tuyệt ngon.


< Chạy ngang chợ Đại Lào.

Hai chữ Bảo Lộc mới xuất hiện từ năm 1958, khi tỉnh Lâm Đồng thay tên Đồng Nai Thượng. Lúc đó Lâm Đồng chỉ có hai huyện là Di Linh và Bảo Lộc. Trung tâm Bảo Lộc được chọn làm tỉnh lỵ. Địa giới của huyện kéo dài đến dưới chân đèo Chuối, bọc theo thượng nguồn sông Đồng Nai.
< Trạm thu phí.

Vùng đồi núi, sông suối và trảng cỏ chập chùng này nay chia ra đến 5 đơn vị hành chính. Thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm bao quanh nằm trên cao độ 800 - 900m có cái lạnh dễ chịu, còn ba huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên ở phía dưới chân đèo chỉ cao chừng 200 - 300m nên nắng mưa không khác miền Đông, ban đêm se lạnh, ban ngày oi bức...

< Chuẩn bị vào đèo Bảo Lộc.
Vô tình lại gặp cố tri: mấy chú bò...
< Vào đèo rồi: tít xa vẫn phủ sương mù quẩn quanh.
Đèo Bảo Lộc dài khoảng 10km nằm trên QL20, là cung đường chính từ Đà Lạt dẫn về phía Nam. Đèo có hai chổ tạm dừng có bãi đâu là chỗ Đức mẹ Maria và chùa Phật Bà Quan Âm - Miếu Ba Cô.
Dù đèo được nâng cấp sửa chữa nhiều lần nhưng nơi đây vẫn thường xẩy ra nhiều tai nạn nên rất nhiều am thờ nhỏ ven đèo.
Đỉnh đèo Bảo Lộc có đài kỷ niệm đèo Blao, nơi đã diễn ra những chiến công chống ngoại xâm của quân và dân trong thời kỳ 1945 - 1975.
< Đi được hơn nũa đoạn đèo thì đến miếu Ba Cô.

Miếu Ba Cô là một thắng cảnh tâm linh đẹp mang mang hơi hướm huyền bí với câu chuyện về tích Ba Cô tại đây:

Người ta kể rằng trước đây có ba chị em là Loan - Hòa - Thảo là người dân Bảo Lộc, đều là sinh viên đang học tại Sài Gòn. Mùa hè đến, khi ba cô trên chuyến xe về quê, chạy tới khúc cua này do tài xế chạy nhay nên bị lật xe và lao xuống vực tử nạn.

Bẳng đi một thời gian, có một xe đò chạy tới khúc quanh này thì cũng lao xuống vực. May mắn thay trong đoàn xe ấy còn bốn người sống sót gồm một chàng thanh niên và ba cô gái.

Dù bị thương nhưng cả bốn người đều động viên nhau để cùng leo lên tới mặt đường. Do chàng trai bị thương nặng nên ba cô gái động viên giúp anh. Đến mặt đường thì chàng trai đã bất tỉnh rồi.
Khi hồi tỉnh, anh ta nhận ra mình trong bệnh viện nhưng không thấy ba cô gái kia đâu nên mới hỏi và biét rằng người đi đường chỉ thấy có một mình anh nằm ven đèo. Khi anh miêu tả nhân dạng của ba cô gái: cảnh sát nói rằng toàn bộ số người trong đoàn xe ấy đã thiệt mạng, hoàn toàn không có ai trẻ và giống như người chàng trai miêu tả và anh là người duy nhất may mắn còn sống sót. Điều đặt biệt là hình dáng chàng trai miêu tả lại rất giống với ba cô gái bị tử nạn lúc trước.

Người ta cho rằng vì chết quá trẻ và trong trắng nên oan hồn của ba cô gái lúc trước cứ vất vưỡng nơi chân đèo, khi gặp tai nạn tương tự đã hiển linh giúp đỡ chàng trai trẻ thoát chết.

Từ đó dân làng nơi đây đã lập một ngôi miếu nhỏ bên chân đèo để cầu siêu cho linh hồn của những người chết oan vì tai nạn và nhất là oan hồn của ba cô gái trẻ - cũng là chốn cầu an cho khách bộ hành có việc đi ngang qua đoạn đèo này.

Do vậy: cánh lái xe đường dài khi qua đây thường dừng lại thắp hương cầu bình yên.

Sau này do chiều rộng đèo có hạn, lưu lượng xe nhiều nên không còn chổ đậu nên họ thường bấm ba hồi còi ngắn khi chạy ngang tượng trưng cho việc xin đường và cũng như tưởng nhớ đến ba cô.
< Góc cong cuối cùng, sắp hết đèo rồi.

Vẫn bình an, xem ra không có gì quá nguy hiểm nếu lái xe cẩn thận. Mà đèo Bảo Lộc sau nhiều lần sửa chữa thì cũng tốt hơn ngày xưa nhiều, không cần quá âu lo chỉ vì thành tích "sát thủ" tích tụ nhiều chục năm.

Còn tiếp



Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21

Comments

Popular posts from this blog

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình

London – Xứ sở diễm lệ

Cổng làng – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ