Saigon: Mùa hè đổ lửa và thị trường nước giải khát

Đọc báo thấy bài này đáng chú ý, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.



"Văn Lang/Người Việt



Sài Gòn sau Tết đã bước vào mùa nóng, nhưng khi những cây phượng hồng đồng loạt thắp lửa trên khắp các tán lá báo hiệu hè về thì cũng là lúc cái nóng của Sài Gòn lên tới đỉnh điểm.



Thời điểm này đi tới đâu cũng nghe dân Sài Gòn than “Trời nóng quá!” ; “Nóng muốn chết!” ; “Nóng... le lưỡi!”; “Chưa có năm nào nóng như năm nay!”... Nhưng có lẽ trời càng dội lửa xuống Sài Gòn thì thị trường nước giải khát tại Sài Gòn tưởng chừng như càng trở nên sôi động hơn bao giờ hết?



Mùa hè đổ lửa năm nay là sự lên ngôi trở lại của các loại thức uống thiên nhiên, dân dã như: Nước mía, nước dừa, nước rau má, sữa đậu nành, sâm bổ lượng, trà sâm cúc, trà Atisô... và nước yến nhĩ (đóng lon).











Ban đêm tuy trời không buông nắng, nhưng không khí vẫn nóng hầm hập, dù quạt máy chạy vù vù thì mồ hôi vẫn ra ướt lưng, lâu lâu lại phải trở giấc vô buồng tắm xối mấy ca nước cho mát lưng rồi ngủ tiếp. Sáng ra trước khi đi làm ai cũng thấm mệt, ăn sáng cũng phải có nước nuốt mới trôi, dù ăn gì, bánh canh, phở, bún bò, cháo lòng... thêm ly sữa đậu nành là thấy khỏe, có sức đi cày.



Thị trường Việt Nam đã có mấy hãng sản xuất sữa đậu nành chai như Tribeco, Number one... nhưng dân chúng vẫn chuộng loại sữa đậu nành của mấy bà bán đầu hẻm, đầu chợ vì hương vị thơm ngon chẳng có loại sữa đậu nành vô chai nào sánh kịp.



Giá cả lại rất mềm, chỉ có hai tới ba ngàn một ly, cá biệt có nơi chỉ bán một ngàn rưỡi, uống vô tới đâu mát tới đó dù là uống sữa đậu nành nóng hay lạnh (bỏ đá). Nhược điểm của loại sữa đậu nành nấu bán là... mau hết, sáng ai dậy trễ là không có mà uống. Hiếm có nơi nào bán sữa đậu nành trưa hoặc chiều, có lẽ vì loại sữa này khó bảo quản, hay vì lượng người uống tập trung nhiều vào buổi sáng cũng nên? Trong khi các loại thức uống dân dã khác đều hoặc ít, hoặc nhiều bị báo chí trong nước chỉ trích về vệ sinh an toàn, hoặc bị cáo buộc là dùng toàn hương liệu bằng hóa chất, duy chỉ có sữa đậu nành là chưa thấy bị lên án.











Xế trưa cho tới tận chiều tối, thế chân sữa đậu nành là nước rau má, uống vừa thơm vừa mát, vừa... trị bệnh. Nhưng cũng như sữa đậu nành, nước rau má xay (rồi) khó bảo quản, sở dĩ chúng tôi phải nhấn mạnh hai từ “xay rồi” là vì bây giờ Sài Gòn không như trước kia, rau má để ngoài, khách kêu mới cho vô máy xay, bỏ thêm chút đậu xanh cho thêm phần thơm mát. Hiện giờ rau má ở Sài Gòn thấy toàn xay sẵn bỏ trong chai mủ, khách kêu chỉ đập đập đá bỏ vô ly rót ra là xong. Ðiều đó làm cho khách ngại uống, nhất là trong bối cảnh đất đai ngày càng thu hẹp, do đó thấy mới tin, chứ ai biết cái thứ nước đen đen kia có đúng là nước rau má xay?



Một sản phẩm thứ ba ở Sài Gòn mà bất kể sáng, trưa, chiều, tối hay bốn mùa ra lá, bốn mùa ra hoa gì thì nước mía vẫn là loại sản phẩm phổ biến bậc nhất ở Sài Gòn. Cứ nhìn “nhân viên” của mấy đại lý xoay trần ra vác mía chở cho mấy xe nước mía, hoặc những đống xác mía chất cao nghệu trước mấy xe nước mía đủ để thấy sản phẩm này bán chạy cỡ nào.



Một anh Việt Kiều than với tôi là thấy mấy xe nước mía ở Sài Gòn đều gắn bảng hiệu là “siêu sạch” nhưng mà ruồi bu đầy đống xác mía trước mấy xe ép nước mía nhìn thấy mà ghê. Tôi chạy lòng vòng nhiều điểm để “xác minh” lời anh Việt Kiều thì phát hiện một điều khá lạ, những con vật đen đen nhỏ nhỏ bay trên đám xác mía còn tươi (thơm) không phải là ruồi, mà là những con... ong ruồi, chúng bay tới để hút mật mía, loại này vô hại, vì chúng không đậu lên người hay bất kỳ vật dụng nào của quán nước mía, nhưng ai không biết nhìn thì... chết khiếp!











Sản phẩm thứ tư một thời “vang bóng” của Sài Gòn là nước sâm lạnh, trà cúc, Atisô đi kèm với... nước đắng. Trước kia, mỗi lần bị viêm họng, thay vì uống thuốc, tôi chỉ cần chạy ra xe bán sâm lạnh kêu một ly nước đắng và “khà” một hơi, ba mươi phút sau cổ họng hết đau. Ðúng là... thuốc đắng dã tật!



Cũng xin nói thêm để quý vị nào chưa có dịp uống nước đắng tiện hình dung, trái hũ hoa (khổ qua) dù là ăn sống với tôi vẫn là... ngọt, còn sầu đâu (loại này có ở vài tỉnh giáp với biên giới Cambodia, Việt Kiều ở Cam-pu-chia rất ưa dùng) thì đắng hơn hũ hoa... vài bậc, nhưng so với nước đắng thì cả hai vẫn thuộc hàng... “tép riu.” Do vậy, xe sâm lạnh bán kèm nước đắng hoàn toàn chỉ để chứng minh... đẳng cấp chế biến “sâm” thượng thừa của mình, vì ít người uống nước đắng nên lời không đáng kể, nhưng xe nào có nước đắng càng đắng thì nước sâm càng bán chạy, vì người ta tin tưởng vào “đẳng cấp” của chủ nhân.



Khác với nước đắng, sâm lạnh thơm, mát, ngọt nhẹ dễ uống, tính thanh nhiệt và giải khát rất cao. Ðặc biệt là khi cô bán hàng người Hoa da trắng ngần, cổ cao, mắt lá răm một mí, tiếng Việt lơ lớ thì khách càng uống... mát trời ông địa.



Nhưng than ôi! Thời “mát trời” xưa nay đâu còn nữa. Lỗi chỉ tại đồng tiền và chợ hóa chất Kim Biên làm “xáo trộn nhân tâm.” Như lệ thường đau họng tôi lại chạy ra xe nước sâm, nhưng anh bạn mới quen gần nhà bà bán nước sâm đã kề tai tôi nói nhỏ: “Ðừng uống nữa, hóa chất không đó, uống có ngày đi Bình Hưng Hòa... sớm!” Mô phật! Hèn chi lúc sau này càng uống thì cổ họng càng sưng đau. Tìm hiểu thì được biết, sau này vì lợi nhuận không mấy ai nấu nước sâm lạnh bằng sài đất, cỏ tranh, mía lau, râu bắp, thuốc dòi, liu riu ngọn lửa để ra hương vị thơm ngon có tác dụng thanh nhiệt. Mà ra chợ hóa chất Kim Biên mua khoảng 100gram hương liệu giá có 20 ngàn đồng Việt Nam về pha thêm nước ra khoảng 3 can (loại 20 lít ), quăng vô vài cục đá “tổ chảng” to cỡ cục đá xanh của dân lục lộ là bán mát trời từ sáng tới tối, thu lời cỡ một trăm mấy tới hai trăm ngàn đồng Việt Nam.



Trong khi một người bán nước sâm đàng hoàng, thức khuya dậy sớm kiếm ngày 30 ngàn đồng đỏ con mắt. Sẵn tìm hiểu nước sâm, tôi hỏi thăm “bí kíp” chế nước đắng một loại trước kia tôi xem như “thần dược.” Mấy bà bán nước sâm ai nấy đều lắc đầu quầy quậy: “Cái lày nị hổng có biết, ngộ đi hỏi mấy tiệm thuốc pắc đi!”



Ði hỏi thăm mới biết, nước đắng có hai loại, loại 2 vị thuốc và loại mười vị thuốc. Loại hai vị gồm: Hàn củ thảo và Bắc củ thảo. Còn loại mười vị gồm: Quế đắng, xuyên tâm liên, nhân sâm, huyền sâm, trường sơn, kỷ đông hoa, thục địa, cam lộ... Hèn chi, ngày xưa uống nước đăng của mấy tiệm thì hết viêm họng còn bây giờ uống nước đắng có nguồn gốc từ chợ hóa chất Kim Biên thì... tắc họng.



Cũng trên tinh thần chuộng thuốc, mát và bổ, thị trường mùa nóng cũng khá hút loại nước yến đóng lon. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi ngoài sản phẩm của những công ty lớn và hàng nhập, thị trường còn nhiều loại nhãn lon do các cơ sở nhỏ sản xuất “nhái” gần giống thương hiệu có tên tuổi, chủ yếu sản xuất tại Sài Gòn nhưng lại đem về miền Tây và vùng ven tiêu thụ. Giá bỏ mối chỉ có 4 tới 5 ngàn đồng một lon.



Theo người bạn làm nghề kinh doanh của tôi tính toán, sản phẩm tổ yến, loại thứ cấp đã có giá từ 4 tới 5 triệu đồng 1kg, không cần phải thông minh cũng biết nước yến kia làm gì có... yến. Một người bạn khác thì cho biết, đã từng mua một “lố” về uống thử để mong giải nhiệt trong mùa hè le lưỡi này, kết quả là... tiêu chảy cả tuần.



Mùa nóng bất thường năm nay, đa số các bệnh viện ở Sài Gòn đều quá tải vì số bệnh nhân nhập viên tăng cao. Ngoài nguyên nhân về nắng nóng quá sức chịu đựng của còn người. Còn có một nguyên nhân không kém phần quan trọng là vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là thức uống cho người dân không đảm bảo an toàn. Nhưng tiếng kêu của người tiêu dùng Sài Gòn vẫn chỉ là tiếng kêu của kẻ chết khát kêu gào trong sa mạc.



SG, ngày 20 tháng 5, năm 2010



Văn Lang"




(Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=113176&z=1)



Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/11603952

Comments

Popular posts from this blog

London – Xứ sở diễm lệ

12 Top-Rated Tourist Attractions in Tokyo

Cố đô Chiang Mai