Một vòng ven biển Bạc Liêu
Bỏ đồ vô khách sạn, tắm rửa xong trời đã xế chiều. Trời nóng nực nên chúng tôi bàn nhau ra khu du lịch Nhà Mát chơi. Đường ra biển chỉ có 8km, đi mất 10 phút. Vừa khỏi nội ô thành phố Bạc Liêu, gió biển đã thổi lồng lộng, ai nấy tranh thủ hít đầy lồng ngực.
< Biển Nhà Mát, Bạc Liêu.
Gió biển hoàng hôn
Không hào hoa, tráng lệ như Vũng Tàu, Nha Trang... bờ biển Bạc Liêu vẫn còn nét hoang sơ, mộc mạc. Dưới ánh chiều tà, hàng cây bần và mắm ngả nghiêng trong gió. Sát mí bờ là hàng dừa nước lung linh nghiêng mình trong gió. Quanh bờ biển cũng có hàng quán ăn uống nhưng không nhạc xập xình ồn ào, đèn điện đủ sáng chứ không rực rỡ, nhấp nháy xanh đỏ.
Đi bộ trên chiếc cầu bêtông bắc qua khu Nhà Mát ngoài khơi, có cảm giác chao đảo như đang cưỡi trên lưng sóng biển. Từ đây nhìn ra biển, thấy mình vô cùng nhỏ bé trước bầu trời bao la rộng lớn. Lác đác vài chiếc ghe lưới nhấp nhô chẻ sóng tiến vô bờ. Tiếng gió thổi hù hù, tiếng sóng vỗ dạt dào làm ai nấy khoan khoái như trút hết bao gánh nặng.
Trước cửa khu Nhà Mát, mấy chị phụ nữ bày thau, rổ ngồi bệt dưới đất bán đồ hải sản tươi rói. Một ký ghẹ (ba con) giá 120.000 đồng; vọp, sò lông 10.000 đồng/kg, cua đá 100.000 đồng/kg... Ba người “làm” một bữa cua, ghẹ, vọp đã thèm chỉ mất khoảng 200.000 đồng.
Trên đường về chúng tôi ghé vô Phật Bà Nam Hải nằm bên bờ biển. Tượng Phật Bà uy nghi quay mặt ra biển, phía dưới khách thập phương đông đúc đốt nhang vái lạy. Gió biển quyện mùi nhang khói làm trong lòng trở nên nhẹ nhõm, muốn quên hết sự đời. Anh Quách Thanh Liêm, phó phòng nghiệp vụ du lịch (Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu), nói: “Người dân tin Phật Bà linh thiêng đứng trước biển bao hàm ý nghĩa chở che, hóa giải mọi phong ba bão tố, giữ an cuộc sống dân lành. Cho nên không kể ngày đêm, khu Phật Bà lúc nào cũng tấp nập khách hành hương”.
Rừng ôm biển
Sáng, chúng tôi tiếp tục men theo bờ biển, đi theo tuyến lộ Nhà Mát - Gành Hào dài 42km qua các huyện Hòa Bình và Đông Hải, hướng về cửa sông Gành Hào. Hai bên đường, rừng đước xanh mát cặp bờ biển như dải lụa xanh xen giữa biển, bờ. Khoảng cách từ đường xe chạy ra biển chỉ vài trăm mét nên cứ hết một vạt rừng đước lại nhìn thấy biển lấp lánh giữa khoảng trống rừng cây. Rừng và biển cứ vậy ôm lấy nhau, chạy dài xa tít tắp.
Tới khu vực xã Vĩnh Thạnh, huyện Hòa Bình, mọi người xuống xe băng bộ qua cánh rừng dương để ra biển. Vừa tới mí rừng đã nghe tiếng chim hót, sóng biển rì rào và gió mát lồng lộng. Băng qua những vạt rừng đước lòi đầy rễ trên mặt đất, chân đã chạm lên bờ cát xám mịn. Nước mát, cát êm, mọi người bỏ hết giày dép, xăn quần đi chân trần để tận hưởng cái êm ái, mát mẻ của cát biển. Bất ngờ, tiếng “lẹt rẹt” nhộn nhịp dưới chân làm ai cũng giật mình. Hóa ra là bầy cá thòi lòi nghịch ngợm chạy tung tăng. Hàng trăm con lớn nhỏ, có con bự bằng ngón chân cái, thấy động liền chạy tọt vô hang lẩn trốn.
Mọi người thích quá chạy theo đuổi bắt, nhưng đám cá thòi lòi như trêu ngươi, thoắt ẩn thoắt hiện, “dụ dỗ” mọi người chạy theo toát mồ hôi hột mà chẳng bắt được con nào. Dưới tán rừng, những con kênh nhỏ thẳng băng, nước chảy lượn lờ. Anh Liêm nói theo quy hoạch, sẽ có xuồng đưa khách vô rừng câu cá. Trong rừng sẽ dựng lên những chòi lá thoáng mát làm nơi nghỉ chân kết hợp ăn uống, nướng cá, nghỉ ngơi.
Len lỏi trong rừng đước, cặp mé sông Cái Cùng vô khu miếu Ông, nơi lưu giữ bộ xương cá ông. Một ngôi nhà dài khoảng 30m, vách gắn kính được xây lên để bảo vệ xương cá. Kế bên nhà kính là một ngôi mộ trang trọng giống mộ người, trên có bia mộ đề chữ “Phần mộ ngư ông Duyên Hải”. Đó là nơi chôn cất bộ tạng của cá ông sau khi phần thịt được cho phân hủy. Bên trong nhà kính, bộ xương còn nguyên vẹn được đặt trang trọng.
Ông Nguyễn Duy Nhơn, phó ban trị sự miếu Ông, kể cá ông này nặng đến 16 tấn, lụy đầu năm 2010 ngoài biển, ngư dân trong vùng kéo vô bờ định chôn. Tỉnh đã chỉ đạo xử lý phần thịt, giữ lại bộ xương để thờ vị thần cứu giúp ngư dân khi gặp nạn. Tỉnh đã có kế hoạch xây miếu thờ cá ông kết hợp quy hoạch khu du lịch sinh thái rộng 3,8ha ở đây để đón khách du lịch sinh thái kết hợp tâm linh.
Đi về hướng Gành Hào, cách cửa biển non cây số là khu lăng ông Nam Hải. Bên trong có ngôi miếu thờ đức Ông, cạnh đó là bộ da cá ông (cá voi nhám) dài gần 10m, vòng bụng gần 5m, nặng khoảng 13 tấn. Theo người dân địa phương, cá ông này lụy ngoài biển Bạc Liêu tháng 5-2010, ngư dân kéo về và được các nhà khoa học Viện Hải dương học Nha Trang xử lý hóa chất giữ nguyên bộ da để nghiên cứu, bảo tồn.
Ơi Gành Hào...
Cuối cùng, cửa sông Gành Hào cũng hiện ra trước mắt. Từ lâu chỉ được nghe hai tiếng Gành Hào qua bài hát Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Hôm nay mới được đặt chân tới, đứng ngay cửa sông nhìn ra biển mới thấy thật thú. Vàm sông trước đây thường bị sạt lở, nay đã được xây bờ kè kiên cố bảo vệ, ôm một vòng cung từ bờ biển chạy vô cửa sông. Trên bờ là chợ Gành Hào với trung tâm thương mại đông đúc. Qua bên kia sông đã là Cà Mau. Chạy theo mé biển về hướng nam là vùng đất mũi, mảnh đất tận cùng của Tổ quốc không còn xa nữa...
Buổi trưa, chúng tôi bù đắp những mệt mỏi của chuyến đi bằng một bữa ăn toàn đặc sản và chỉ có duy nhất ở Gành Hào: cá đỏ dạ muối chiên, cá dứa kho tiêu, cá rún nấu canh chua và rượu đế Công tử Bạc Liêu. Lại một bữa ăn ngon đã đời với hải sản tươi ngon ngay trên bờ biển lộng gió...
Tỉnh đã quy hoạch tuyến du lịch sinh thái rừng biển Bạc Liêu kết hợp tâm linh phục vụ khách thập phương. Theo đó, toàn tuyến bờ biển Nhà Mát - Gành Hào dài 42km sẽ xây dựng các khu nghỉ dưỡng Nhà Mát, Rồng Việt, nâng cấp khu Phật Bà Nam Hải, miếu thờ cá Ông, lăng ông Nam Hải và khu Trung tâm văn hóa Phật giáo Đông Hải; triển khai các dự án đầu tư trồng rừng ven biển kết hợp nuôi dưới chân rừng các loài thủy sản để tổ chức các dịch vụ bắt cá, nghêu phục vụ khách du lịch.
Du lịch, GO! - Theo TTO, internet
Link to full article
< Biển Nhà Mát, Bạc Liêu.
Gió biển hoàng hôn
Không hào hoa, tráng lệ như Vũng Tàu, Nha Trang... bờ biển Bạc Liêu vẫn còn nét hoang sơ, mộc mạc. Dưới ánh chiều tà, hàng cây bần và mắm ngả nghiêng trong gió. Sát mí bờ là hàng dừa nước lung linh nghiêng mình trong gió. Quanh bờ biển cũng có hàng quán ăn uống nhưng không nhạc xập xình ồn ào, đèn điện đủ sáng chứ không rực rỡ, nhấp nháy xanh đỏ.
Đi bộ trên chiếc cầu bêtông bắc qua khu Nhà Mát ngoài khơi, có cảm giác chao đảo như đang cưỡi trên lưng sóng biển. Từ đây nhìn ra biển, thấy mình vô cùng nhỏ bé trước bầu trời bao la rộng lớn. Lác đác vài chiếc ghe lưới nhấp nhô chẻ sóng tiến vô bờ. Tiếng gió thổi hù hù, tiếng sóng vỗ dạt dào làm ai nấy khoan khoái như trút hết bao gánh nặng.
Trước cửa khu Nhà Mát, mấy chị phụ nữ bày thau, rổ ngồi bệt dưới đất bán đồ hải sản tươi rói. Một ký ghẹ (ba con) giá 120.000 đồng; vọp, sò lông 10.000 đồng/kg, cua đá 100.000 đồng/kg... Ba người “làm” một bữa cua, ghẹ, vọp đã thèm chỉ mất khoảng 200.000 đồng.
Trên đường về chúng tôi ghé vô Phật Bà Nam Hải nằm bên bờ biển. Tượng Phật Bà uy nghi quay mặt ra biển, phía dưới khách thập phương đông đúc đốt nhang vái lạy. Gió biển quyện mùi nhang khói làm trong lòng trở nên nhẹ nhõm, muốn quên hết sự đời. Anh Quách Thanh Liêm, phó phòng nghiệp vụ du lịch (Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu), nói: “Người dân tin Phật Bà linh thiêng đứng trước biển bao hàm ý nghĩa chở che, hóa giải mọi phong ba bão tố, giữ an cuộc sống dân lành. Cho nên không kể ngày đêm, khu Phật Bà lúc nào cũng tấp nập khách hành hương”.
Rừng ôm biển
Sáng, chúng tôi tiếp tục men theo bờ biển, đi theo tuyến lộ Nhà Mát - Gành Hào dài 42km qua các huyện Hòa Bình và Đông Hải, hướng về cửa sông Gành Hào. Hai bên đường, rừng đước xanh mát cặp bờ biển như dải lụa xanh xen giữa biển, bờ. Khoảng cách từ đường xe chạy ra biển chỉ vài trăm mét nên cứ hết một vạt rừng đước lại nhìn thấy biển lấp lánh giữa khoảng trống rừng cây. Rừng và biển cứ vậy ôm lấy nhau, chạy dài xa tít tắp.
Tới khu vực xã Vĩnh Thạnh, huyện Hòa Bình, mọi người xuống xe băng bộ qua cánh rừng dương để ra biển. Vừa tới mí rừng đã nghe tiếng chim hót, sóng biển rì rào và gió mát lồng lộng. Băng qua những vạt rừng đước lòi đầy rễ trên mặt đất, chân đã chạm lên bờ cát xám mịn. Nước mát, cát êm, mọi người bỏ hết giày dép, xăn quần đi chân trần để tận hưởng cái êm ái, mát mẻ của cát biển. Bất ngờ, tiếng “lẹt rẹt” nhộn nhịp dưới chân làm ai cũng giật mình. Hóa ra là bầy cá thòi lòi nghịch ngợm chạy tung tăng. Hàng trăm con lớn nhỏ, có con bự bằng ngón chân cái, thấy động liền chạy tọt vô hang lẩn trốn.
Mọi người thích quá chạy theo đuổi bắt, nhưng đám cá thòi lòi như trêu ngươi, thoắt ẩn thoắt hiện, “dụ dỗ” mọi người chạy theo toát mồ hôi hột mà chẳng bắt được con nào. Dưới tán rừng, những con kênh nhỏ thẳng băng, nước chảy lượn lờ. Anh Liêm nói theo quy hoạch, sẽ có xuồng đưa khách vô rừng câu cá. Trong rừng sẽ dựng lên những chòi lá thoáng mát làm nơi nghỉ chân kết hợp ăn uống, nướng cá, nghỉ ngơi.
Len lỏi trong rừng đước, cặp mé sông Cái Cùng vô khu miếu Ông, nơi lưu giữ bộ xương cá ông. Một ngôi nhà dài khoảng 30m, vách gắn kính được xây lên để bảo vệ xương cá. Kế bên nhà kính là một ngôi mộ trang trọng giống mộ người, trên có bia mộ đề chữ “Phần mộ ngư ông Duyên Hải”. Đó là nơi chôn cất bộ tạng của cá ông sau khi phần thịt được cho phân hủy. Bên trong nhà kính, bộ xương còn nguyên vẹn được đặt trang trọng.
Ông Nguyễn Duy Nhơn, phó ban trị sự miếu Ông, kể cá ông này nặng đến 16 tấn, lụy đầu năm 2010 ngoài biển, ngư dân trong vùng kéo vô bờ định chôn. Tỉnh đã chỉ đạo xử lý phần thịt, giữ lại bộ xương để thờ vị thần cứu giúp ngư dân khi gặp nạn. Tỉnh đã có kế hoạch xây miếu thờ cá ông kết hợp quy hoạch khu du lịch sinh thái rộng 3,8ha ở đây để đón khách du lịch sinh thái kết hợp tâm linh.
Đi về hướng Gành Hào, cách cửa biển non cây số là khu lăng ông Nam Hải. Bên trong có ngôi miếu thờ đức Ông, cạnh đó là bộ da cá ông (cá voi nhám) dài gần 10m, vòng bụng gần 5m, nặng khoảng 13 tấn. Theo người dân địa phương, cá ông này lụy ngoài biển Bạc Liêu tháng 5-2010, ngư dân kéo về và được các nhà khoa học Viện Hải dương học Nha Trang xử lý hóa chất giữ nguyên bộ da để nghiên cứu, bảo tồn.
Ơi Gành Hào...
Cuối cùng, cửa sông Gành Hào cũng hiện ra trước mắt. Từ lâu chỉ được nghe hai tiếng Gành Hào qua bài hát Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Hôm nay mới được đặt chân tới, đứng ngay cửa sông nhìn ra biển mới thấy thật thú. Vàm sông trước đây thường bị sạt lở, nay đã được xây bờ kè kiên cố bảo vệ, ôm một vòng cung từ bờ biển chạy vô cửa sông. Trên bờ là chợ Gành Hào với trung tâm thương mại đông đúc. Qua bên kia sông đã là Cà Mau. Chạy theo mé biển về hướng nam là vùng đất mũi, mảnh đất tận cùng của Tổ quốc không còn xa nữa...
Buổi trưa, chúng tôi bù đắp những mệt mỏi của chuyến đi bằng một bữa ăn toàn đặc sản và chỉ có duy nhất ở Gành Hào: cá đỏ dạ muối chiên, cá dứa kho tiêu, cá rún nấu canh chua và rượu đế Công tử Bạc Liêu. Lại một bữa ăn ngon đã đời với hải sản tươi ngon ngay trên bờ biển lộng gió...
Tỉnh đã quy hoạch tuyến du lịch sinh thái rừng biển Bạc Liêu kết hợp tâm linh phục vụ khách thập phương. Theo đó, toàn tuyến bờ biển Nhà Mát - Gành Hào dài 42km sẽ xây dựng các khu nghỉ dưỡng Nhà Mát, Rồng Việt, nâng cấp khu Phật Bà Nam Hải, miếu thờ cá Ông, lăng ông Nam Hải và khu Trung tâm văn hóa Phật giáo Đông Hải; triển khai các dự án đầu tư trồng rừng ven biển kết hợp nuôi dưới chân rừng các loài thủy sản để tổ chức các dịch vụ bắt cá, nghêu phục vụ khách du lịch.
Du lịch, GO! - Theo TTO, internet
Link to full article
Comments
Post a Comment