Lăng Cô mùa hàu

Cứ độ tháng 2 (âm lịch) hằng năm, người dân ven khu vực đầm phá Lăng Cô, Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế lại tất bật với công việc đánh bắt con hàu. Từ lâu, hàu ở Lăng Cô vốn được người dân và du khách biết đến là loại hàu ngon và nổi tiếng nhất nước.

Chạy dọc theo những con đường bao quanh các bờ đầm là quang cảnh đánh bắt, đập, gỡ, tách hàu, mua bán hàu nhộn nhịp. Từ người đục hàu, người rửa, người cân… rồi vận chuyển lên xe đưa về các đại lý trong và ngoài tỉnh để phục vụ thực khách và các nhà hàng.

“Lộc của trời”

Khu vực đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô, là nơi tập trung số lượng người khai thác hàu lớn nhất. Ở đây, nhiều người dân thường ví con hàu như là “lộc” của trời ban tặng cư dân vùng đầm phá này.

< Những con hàu nặng trĩu được đẩy từ ngoài đầm vào bờ.

Tại đây, từ sáng sớm, nhiều người dân đã dùng các lốp xe cao su đem đặt xuống đầm để cho những con hàu bám vào. Vừa mang những chiếc lốp cao su cũ ra đầm, anh Phạm Văn Thái, 36 tuổi, thôn Lập An, thị trấn Lăng Cô cho biết: “Vào khoảng cuối tháng giêng, đầu tháng hai là gia đình anh lại tất bật vào mùa hàu. Những lốp xe khi đặt xuống nước, khoảng vài ngày sau là có thể đem lên và thu được rất nhiều hàu dính vào đó”.

Được biết, dụng cụ đánh bắt hàu rất đơn giản, chỉ cần một khúc gỗ dài khoảng 5 m, xung quanh buộc các lốp cao su vào và đặt dưới đầm là tự động hàu bám vào, sau đó, có thể đem lên và gỡ hàu ra.

< Nhộn nhịp quang cảnh mua bán hàu ngay trên bờ đầm Lập An.

Chị Phan Thị Thơm, thị trấn Lăng Cô chia sẻ: “Gia đình tôi làm nghề bắt hàu gần 10 năm nay. Khi bắt hàu lên, thường thì Hàu bám chặt vào những lốp cao su, để lấy được những thớ thịt hàu còn nguyên trong vỏ cho lái buôn cân đi là một chuyện không hề dễ dàng, phải cần mẫn dùng dao, búa để đập vỏ hàu ra, vì vỏ hàu rất cứng”. Công việc của người thu hàu là vớt lốp đầy hàu lên từ dưới lòng đầm phá rồi mang lên bờ gỡ hàu ra khỏi lốp, đập và chùi lốp cho sạch vỏ hàu để chuẩn bị cho những lần thả tiếp theo. Xong xuôi, mọi người lo đưa hàu về nhà tách vỏ để đem ra chợ, nhà hàng và chờ tiểu thương đến cân. Những công việc này phải cần đến nhiều người, có khi có trẻ em tham gia nữa.

Khấm khá nhờ hàu

< Để tách hàu ra khỏi lốp cần những đôi tay có kỹ thuật, nếu không rất dễ bị vỏ hàu cứa đứt tay.

Nhiều người dân tại thị trấn Lăng Cô cho biết, nhờ khai thác hàu và bán hàu, mà họ kiếm thêm nguồn thu nhập kha khá để trang trải cuộc sống gia đình, lo cho con cái ăn học đàng hoàng. Nhiều người siêng năng chăm chỉ thì có thể cất nhà, tạo xe là chuyện bình thường. Vì hàu ở nơi đây rất nhiều và nổi tiếng bởi vị ngon lạ.

< Hàu được phân loại để bỏ vào bao.

Được biết, hàu còn nguyên vỏ được tiểu thương mua lại với giá 20 000 đồng/ kg, còn hàu đã bóc vỏ ra thường bán với giá cao khoảng 60 000 đồng/ kg. Anh Nguyễn Thanh, 56 tuổi, một người có kinh nghiệm lâu năm về đánh bắt hàu ở thị trấn Lăng Cô cho biết: “Mỗi ngày trung bình chúng tôi thu hoạch được từ 3- 5 tạ hàu. Mỗi lốp hàu thường nặng 5-6 kg. Ở đây có nhiều nhà làm rất nhiều lốp hàu, có nhà còn làm đến gần 10 000 lốp nữa”, anh Thanh nói.

< Gia đình anh Trần Thiện háo hức với "lộc trời" thu nhặt được.

Hàu Lăng Cô nổi tiếng trong nước, có thể xuất sang các thành phố lớn như: TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Đà Lạt… và được rất nhiều thực khách ưa chuộng và đặt mua.

Một số món hàu dân dã và phổ biến như: hàu luộc chấm mù tạt, hàu nướng trui, hàu nướng mỡ hành, cháo hàu, gỏi hàu… Loại hàu nhỏ được người dân dùng làm mắm hàu để chấm các loại rau quả. Hàu ở Lăng Cô có vị ngọt mằn mặn, kèm theo vị beo béo rất thú vị.

< Hàu được các nhà hàng chọn lựa kỹ lưỡng trước khi chế biến.

Lăng Cô là nơi có số lượng người thu hoạch hàu lớn nhất nước. Với nguồn thu nhập trung bình vài trăm triệu đồng một năm, hàu đã trở thành nguồn cơm áo cho nhiều phận người nghèo khó nơi làng chài ven biển.

Cũng nhờ vào thu hoạch hàu, cuộc sống người dân ở đây dần được cải thiện, không còn phụ thuộc vào con tôm, con cá. “Cũng nhờ nuôi hàu mà tôi nuôi 5 đứa con ăn học đàng hoàng, kinh tế gia đình từ đó khấm khá lên, không phải suốt ngày lênh đênh trên đầm để đánh bắt cá, tôm nữa. Nhiều khi thu hoạch hàu còn ổn định hơn những nghề khác đó chú à!”, anh Thanh thổ lộ.

< Những chiếc lốp hàu còn bám vỏ được trải ra đường để nhờ ôtô đi qua cán lên giúp làm bong vỏ hàu nhanh chóng.

Con hàu (tên khoa học là Oyster) hay còn gọi là hào, hầu có họ hàng với loài sò, là loài động vật nhuyễn thể thuần đực. Hàu biển còn được mệnh danh là “thực phẩm của tình yêu” do là loài động vật giàu kẽm nhất.Theo nghiên cứu của các nhà khoa học hiện đại, con hàu có giá trị dinh dưỡng rất cao, mỗi 100g thịt hàu gồm có: 10,9g protein; 1,5g chất béo; 375mg kali; 270mg natri; 35mg can-xi; 10mg magiê; 5,5mg sắt; 47,8mg kẽm; 11,5mg đồng; 100mg phốt-pho, ngoài ra còn chứa vitamin A, B1, B2, Acid taurine và các vi nguyên tố khác, lượng Iod cao gấp 200 lần so với sữa bò và lòng đỏ trứng.

< Hàu được bày bán dọc quốc lộ 1A đi qua TT Lăng Cô, Phú Lộc.

Hơn thế nữa, trong thịt hàu còn có các Acid amin và nhiều chất hoạt tính đặc biệt chỉ có trong sinh vật của biển cả. Nhờ thế, con hàu giúp chống lại mệt mỏi, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể và tăng cường quá trình trao đổi chất.

Hàu ở Lăng Cô có vị ngọt măn mặn đậm đà xen chút vị beo béo khác lạ nên ngon hơn hàu ở các nơi khác trong nước nhiều, bởi vì do nước ở đây có độ mặn nhiều hơn”.

Du lịch, GO! - Theo Petrotimes, TTCT

Link to full article

Comments

Popular posts from this blog

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình

London – Xứ sở diễm lệ

Cổng làng – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ