Hương mật ong trên đèo Pha Đin

Con đèo Pha Đin lịch sử như dải yếm của cô gái Thái nối tình người giữa hai vùng đất Sơn La và Điện Biên, vẫn ngày đêm miệt mài như đàn ong rừng lấy nhụy làm mật, đón đưa những bước chân khám phá ngược xuôi đất trời Tây Bắc.

< Trên đèo Pha Din.

Quanh co ôm núi, vắt ngang lưng trời Điện Biên sang Sơn La, đèo Pha Đin lịch sử dài 32km ghi danh cùng chiến thắng Điện Biên Phủ đầy hào khí. Xưa, những đoạn dốc dựng đứng, hay khúc cua giật chữ A mang trên mình vô số câu chuyện về lòng quả cảm của những con người vượt đèo dưới mưa bom, tiếp vận cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

< Mật ong rừng bán trên đỉnh đèo.

Giờ nơi đây đã có một cung đường mới hạ độ cao của đèo Pha Đin, song nhịp sống của nơi giao hòa con người và thiên nhiên của cung đường cũ vẫn không khỏi  làm say lòng những người ưa chinh phục. Đường đèo Pha Đin mới là đoạn đi thẳng đã được hoàn thành, nhưng qua Pha Đin mà đi đường mới thì sao cảm nhận được độ cua dốc và gắt - còn con đường mới không thể làm đèo Pha Đin nổi tiếng đến vậy. Vượt đèo đường cũ, bước chân khám phá như được hòa vào dải núi trùng trùng, điệp điệp trên đỉnh Pha Đin dài 32 cây số.

Cảnh trời Tây Bắc thêm phần quyến rũ bởi nhịp sống thanh bình của chợ rừng trên đỉnh đèo. Ánh nắng sớm vàng rực hắt tia khúc xạ trên quẩy mật ong rừng của cô gái Thái mang hàng xuống bán cho du khách vẫn đang còn bầy ong bám theo như khúc hát giao duyên trên đỉnh núi, như lời mời gọi về với Tây Bắc thân thương.

Lại gần món sản vật của gió núi, hỏi người con gái Thái bên những chai mật ong rừng một câu đùa vui thì chỉ có nụ cười hiền lành đáp lại. “Ong chỉ bay theo để nuôi mật, ong sẽ không đốt khách xuôi đâu”. Câu nói đầm ấm trên đỉnh đèo khiến du khách cảm thấy mến thương về mảnh đất, con người hòa vào nhịp sống của thiên nhiên trời đất trên con đèo Pha Đin mây và gió.

Đứng trên đỉnh Pha Đin, chụp bức ảnh bên đài tưởng niệm đèo Pha Đin lịch sử, tưởng mọi cảnh vật như đang trôi theo từng áng mây trắng. Hương mật ong còn đậm ngọt trong khứu giác người đứng trên đèo, lại thấy xuất hiện một chị gánh đôi lồng chim họa mi đặt cạnh, bán cho du khách…

Cứ thế, một chợ phiên không hẹn mà cứ đông dần trên đỉnh đèo với biết bao sản vật của núi rừng mang đến. Để rồi hòa về miền xuôi như gửi gắm, nhắn nhủ người từng đặt chân đến về một con đèo vắt ngang trời Tây Bắc.

Du lịch, GO! - Theo ANTĐ, internet

Link to full article

Comments

Popular posts from this blog

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình

London – Xứ sở diễm lệ

Cổng làng – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ