Fansipan và những điểm đen

Ngọn Fansipan cao nhất dãy Hoàng Liên Sơn nên đây là điểm đến hấp dẫn với những người yêu thích môn leo núi. Hãy ghi nhớ những điểm nguy hiểm dưới đây để có một chặng đường chinh phục nóc nhà Đông Dương một cách an toàn.

Leo Fansipan hiện trở thành một trong những tour chính của Sapa. Để đảm bảo an toàn cho du khách và bảo vệ rừng khỏi nguy cơ ô nhiễm hay cháy, đường leo Fansipan xuất phát từ ba điểm gồm Trạm Tôn, Sín Chải và Cát Cát, đều phải đi qua là điểm dừng chân ở độ cao 2.200 m, 2.800 m và đỉnh núi.

Tại điểm cao 2.200 m và 2.800 m có các lán trại dựng sẵn, bếp để nấu ăn và một cửa hàng nhỏ bán các nhu yếu phẩm. Tùy vào lịch trình, các công ty tổ chức tour sẽ sắp xếp các điểm nghỉ chân hoặc nghỉ đêm tại hai điểm nói trên, hoặc có thể ngủ giữa rừng đối với những cung đường dài ngày.


Địa hình dốc xuống với những vách đá trơn nhẵn đầy nguy hiểm và thử thách. Ảnh: nguoidulich.info.

Điểm nguy hiểm từ Sín Chải và Trạm Tôn

Từ điểm cao 2.700 m theo đường Sín Chải, bạn phải leo bằng dây thừng để lên cao hơn. Dù chỉ là một đoạn ngắn nhưng khá nguy hiểm. Đây là đoạn đường đòi hỏi nhiều sức khỏe và kinh nghiệm leo núi. Từ điểm trại 2.800 m lên đến đỉnh núi thực sự là một cung đường khó khăn, nhiều nguy hiểm, nên hết sức thận trọng và chú ý khi di chuyển qua đoạn đường này.

Theo nguoidulich.info, đoạn từ điểm cao 2.800 m đến 2.900 m chủ yếu di chuyển qua khu rừng trúc, địa hình dốc lên liên tục, nhiều đoạn phải dùng tới thang sắt để vượt qua. Từ điểm này lên 3.000 m sẽ phải đi qua rừng trúc lùn bằng đường mòn có tay vịn, vượt qua các vách đá dựng đứng và khoảng hơn 100 m cuối cùng đường lầy lội để có thể chạm tay vào cột mốc huyền thoại trên đỉnh Fansipan.

Khi di chuyển qua các đoạn đường khó này, người leo núi phải hết sức tập trung vì đường đi gây mất sức và địa hình nguy hiểm gây xáo trộn tâm lí. Đặc biệt, khi di chuyển ở đoạn đường từ điểm cao 2.600 m lên 3.000 m vào mùa gió to, có mưa lại càng phải cẩn thận hơn nữa để đảm bảo an toàn cho bản thân.

Điểm nguy hiểm từ Cát Cát

Thang sắt để vượt qua những vách núi dựng đứng. Ảnh: nguoidulich.info.

Đường từ phía Cát Cát đi vòng xa hơn và địa hình có nhiều thay đổi hơn cả. Từ đây, bạn phải đi men theo những ngọn núi thấp, xuyên qua những cánh rừng và đi ngược thác để vượt núi.

Từ ngày thứ hai của cuộc hành trình, điểm cao 1.800 m dốc ngược theo một dòng thác dựng đứng với những khối đá tảng trơn trượt. Bạn phải bám vào những phiến đá này để leo lên điểm cao 2.000 m. Con đường này di chuyển qua rất nhiều con suối rừng sẽ trở thành những dòng sông hung bạo vào mùa mưa. Từ điểm cao 2.000 m, người leo núi di chuyển bằng cách bám vào những rễ cây cổ thụ rất dễ trơn trượt. Vùng rừng này ẩm thấp, nhiều thảm lá mục dày lẫn với bùn nhão lún bước chân.

Một cách vượt thác an toàn và di chuyển từ đá tảng này sang đá tảng khác là nắm chắc những thân trúc và trượt theo thân cây xuống dần. Trong trường hợp không an tâm với độ bám của chân mình, hãy dùng cả mông và lưng để trườn xuống. Các nhóm khi leo cần hỗ trợ nhau để cùng nhau vượt qua những điểm khó nhất.

Ngoài những đoạn nguy hiểm có thể nhìn thấy, còn rất nhiều nguy hiểm rình rập khác nếu bạn không cẩn thận. Hãy chọn cho mình một lịch trình phù hợp nhất, những người bạn đồng hành tin cậy, đầy đủ đồ phục vụ cho chuyến đi tốt nhất để có một hành trình an toàn.


Đường qua rừng trúc lùn với các lối mòn có tay vịn. Ảnh: nguoidulich.info.

Lam Linh

Comments

Popular posts from this blog

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình

London – Xứ sở diễm lệ

Cổng làng – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ