Chùa Sùng Khánh (Hà Giang)
Chùa Sùng Khánh là tên gọi khác của chùa Báo Thiên. Chùa nằm trên quốc lộ 2 trên tuyến đường Hà Giang đi Hà Nội, ở Km số 9 thuộc thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Đây là ngôi chùa gắn liền với lịch sử, hệ tư tưởng Phật giáo thời Lý - Trần thế kỷ 14.
Chùa Sùng Khánh do chú Phụ Đạo (Tù trưởng) Nguyễn Ẩn xây vào thời Triệu Phong (năm 1356), năm 1705 chùa được trùng tu. Năm 1989 chùa được xây dựng lại trên nền cũ. Năm 1993, chùa Sùng Khánh được xếp hạng di tích lịch sử và đến năm 1999, chùa được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia. Chùa Sùng Khánh có diện tích khoảng 26m2, được xây dựng trên một địa thế đẹp, sau lưng chùa là núi, trước mặt là đồng ruộng và dòng suối.
Trong chùa Sùng Khánh hiện không có tượng Phật mà chỉ có một ban thờ ở gian giữa, 2 gian bên dựng 2 bia đá; 1 bia thời Trần, 1 bia thời Lê và treo một quả chuông đồng lớn thời Lê.
Quả chuông đồng trong chùa Sùng Khánh cao 0,90m, rộng 0,67m, được đúc vào thời Hậu Lê (1705) cùng 2 bia đá thời Trần và thời Lê ghi lại công lao của người sáng lập và trùng tu chùa. Nghệ thuật khắc trên đá, trên chuông đồng và kỹ thuật đúc chuông là một bằng chứng lịch sử phát triển thời Trần và Lê ở tận vùng biên cương Hà Giang.
Bia thời Trần trong chùa Sùng Khánh được dựng trên lưng rùa (rùa có bề ngang rộng 55cm, chiều dài 95cm). Bia đá dẹt, 2 mặt được bào nhẵn, dày 10,5cm, thân cao 90cm và bề ngang là 47cm. Trán bia là hình bán nguyệt, ở giữa chạm hình Phật ngồi trên toà sen, bên cạnh có 1 đệ tử đứng chắp tay trước ngực. Hai góc trên trán bia là hai hình rồng chầu, đầu rồng vươn cao về phía toà sen. Xung quanh thân bia được trang trí đường diềm hoa dây, phía dưới chân bia là hình sóng. Trên cột dọc ở đầu văn bản có khắc 7 chữ Sùng Khánh tự bi minh tính tự. Văn bản chữ Hán khắc ở mặt trước bia gồm bài tựa và bài minh và dòng lạc khoản, mặt sau bia chỉ có 2 dòng chữ Hán xen Nôm ghi việc cúng ruộng và nô tì cho chùa.
Nội dung văn bia như sau: "... chùa Sùng Khánh ở hương Hoằng Nông, giang Thông, trường Phí Linh là do người chú của vị Phụ đạo họ Nguyễn tên là Ẩn, tự là Văn Giác sáng lập ... Ông không thích chăm lo sản nghiệp riêng mà lại ham cứu giúp người khác lúc khó khăn, lòng thì hâm mộ đạo Phật, không ăn thịt, không uống rượu, mỗi tháng ăn chay 10 ngày và đọc kinh, lấy đó làm lệ thường. Hương này vốn không có chùa, lại ở nơi hẻo lánh, núi non sầm uất, có suối trong tuôn chảy, ông thấy mến cảnh, bèn dựng chùa làm nơi hương khói sớm hôm. Chùa được dựng từ tháng riêng đến tháng tư năm Bính Thân (1356) niên hiệu Thiệu Phong thì hoàn thành, đặt tượng phật vào. Ông lại đặt tên chùa là Sùng Khánh, lại cúng vào chùa một viên (mẫu) ruộng để cấp cho người trụ trì".
Văn bản mặt sau của bia ghi " Quyền Phụ đạo Nguyễn Thiên Trượng và Văn Giác cư sĩ cúng thí ruộng ở xứ Nà Nộn 1 viên (mẫu)... Ngô Thiện cư sĩ cúng dâng hai nô tì là Thằng Đại và Mỹ Am cùng một con trâu làm của Tam bảo".
Văn bia và chuông đồng thời Lê được làm vào năm Vĩnh Thịnh thứ nhất (1705), nội dung văn bản ghi lại việc trùng tu chùa Sùng Khánh vào thế kỉ 17, đầu thế kỉ 18 do hoàng tộc nhà Mạc lánh nạn ở Cao Bằng thực hiện.
Vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm, tại chùa Sùng Khánh thường diễn ra lễ hội Lồng Tồng của người Tày để ghi nhớ và tỏ lòng biết ơn các vị thần.
Theo Coviet.vn
Du lịch, GO!
Comments
Post a Comment