Hành trình đến thác Niagara

Khá nhiều du khách đến Bắc Mỹ không thể bỏ qua chuyến thăm ngọn thác Niagara hùng vĩ nằm giữa đôi bờ Canada và Mỹ. Tôi cũng là một trong số họ, đến Niagara Falls ngắm nhìn tuyệt tác của thiên nhiên.

Niagara Falls – thác Niagara là tổ hợp thác lớn và mạnh nhất ở Bắc Mỹ có vị trí đặc biệt, nằm trên biên giới giữa hai quốc gia Canada và Mỹ. Nếu đến thành phố New York (Mỹ), du khách thường dành hẳn 2 ngày để có thể đến và nhìn ngắm dòng thác tuyệt đẹp. Còn ở Canada, thành phố gần nhất là Toronto sẽ chỉ lấy của bạn một ngày đi và về để trải nghiệm biểu tượng thiên nhiên của cả hai quốc gia.


Tổ hợp thác Niagara (từ phải sang) thác Móng Ngựa, thác Bridal Veil và thác Mỹ. Ảnh Seattletravels.com.

Ngày tôi dự định lên đường đến Niagara Falls trời đổ mưa mù mịt vào buổi sáng, sương giăng kín con đường cao tốc từ Toronto (Canada) chạy dọc theo mặt hồ Ontario mờ ảo. Phải đến trưa chiếc xe mới từ từ tiến vào khu vực thác và màn mưa mỏng vẫn kiên trì thử thách lòng người.

Con đường từ bãi đậu xe nối ra vỉa đá trên cao là nơi dễ dàng nhìn thấy dòng nước trắng xóa đang miệt mài tuôn xuống bên dưới. Vào giai đoạn cuối của kỷ băng hà thời kỳ đóng băng Wisconsin khoảng 10.000 năm trước, những sông băng bị rút xuống hình thành các khe nứt gãy. Nối giữa hai đại hồ Eire và Otario là dòng Niagara chở theo hàng tỷ mét khối nước. Nhưng thiên nhiên còn làm được nhiều hơn thế, dòng sông đang yên bình bỗng “rơi” xuống ở độ cao 20-50 m hình thành nên thác Niagara.

Bỏ qua chút thông tin khoa học và quay trở lại với cái nhìn cảm quan ban đầu, dễ dàng nhận ra 3 ngọn thác lần lượt là Horse Shoe Falls (thác Móng Ngựa), the American Falls (thác Mỹ) và Bridal Veil Falls (thác Bridal Veil) tạo thành tổ hợp thác Niagara. Tuy không thật cao nhưng Niagara là thác nước rất rộng với lượng nước khoảng 168.000 m3 chảy qua mỗi phút. Nếu tính đơn giản một chiếc bồn tắm chứa 500 lít thì mỗi giây có khoảng 11.400 chiếc bồn chứa nước như thế đổ xuống thác Niagara, một ví dụ cực kỳ dễ hiểu so với các thông tin hàn lâm mà tôi đọc được trong tài liệu. Màu xanh lá cây của nước đến từ khối lượng khoảng 60 tấn/phút muối hòa tan với bột đá tinh khiết xói mòn từ dòng Niagara.

Có nhiều nguồn thông tin về người đầu tiên tìm ra ngọn thác ngoài những bộ lạc bản địa sống trong vùng, nhưng có thể kể đến nhà khám phá người Pháp Samuel de Champlain đã đến đây vào đầu năm 1604 và ghi lại trong báo cáo của mình. Kể từ đó, vẻ đẹp của ngọn thác đã thu hút hàng triệu người đến chiêm ngưỡng.

Hành trình thú vị nhất tại thác Niagara là chuyến đi thuyền mang tên Maid of the Mist dưới lòng con thác đục ngầu phía xa kia. Giá vé cho người lớn là 15,5 USD (330.000 đồng) và trẻ em 6-12 tuổi là 9 USD (190.000 đồng). Mỗi hành khách sẽ được phát một chiếc áo mưa để tránh bị ướt khi thuyền đi sát vào chân thác. Dịch vụ này đã có từ năm 1846 và mỗi ngày thu hút hàng nghìn lượt du khách trải nghiệm cảm giác bị cuốn vào “họng quỷ” bởi sức mạnh của dòng nước.




Cây cầu Cầu Vồng nối Mỹ và Canada với cửa khẩu ở hai bên.


Bỏ lại sau lưng cây cầu Cầu Vồng – Rainbow Bridge nối liền hai quốc gia, con thuyền lớn lừng lững chạy ngang qua thác American và Bridal Veil thuộc lãnh thổ Mỹ. Những chấm nhỏ li ti đang di chuyển trên đài quan sát chính là các du khách ở bên kia biên giới.

Chỉ cách nhau một km, thác Mỹ trải dài hơn 300 m còn thác Móng Ngựa – Horse Shoe lại cong cong đúng như tên gọi của nó. Đẹp và ấn tượng nhất, thác Móng Ngựa hiện thuộc lãnh thổ Canada, tất cả chuyến Maid of the mist đều đưa du khách vào tận trong lòng con thác lớn. Bên trên nhiều gương mặt hào hứng pha chút lo sợ còn dưới mạn thuyền là những chú chim thư thả bay lượn rồi sà xuống làn nước lạnh mà chẳng cần quan tâm tiếng dòng thác gầm gừ.

Con thuyền từ từ tiến thẳng đến chiếc rèm trắng khổng lồ cao 53 m và rộng 790 m. Từng làn nước theo gió tạt vào nhóm du khách đứng trên boong mà không hề có phương hướng cụ thể. Dù có áo mưa nhưng tôi vẫn cảm nhận cổ, quần và giầy bắt đầu lạnh đi vì thấm nước. Nhiều tiếng hét sảng khoái mỗi khi nước ào ào đổ lên và con thuyền bỗng trở nên bé nhỏ trước thiên nhiên.

Người thuyền trưởng quả thật rất đáng khâm phục bởi tầm nhìn gần như bằng không và lớp lớp đá ngầm dưới chân lởm chởm, ông vẫn đưa hành khách trở lại bến thuyền an toàn. Lúc này mọi người mới có thời gian định thần nhìn ngắm cảnh vật đôi bờ. Trong làn sương, có thể thấy nhiều bụi cây đang thay lá và thêm những con thuyền chở theo bao cảm xúc vẫn tiếp tục rời bến.

Sũng nước và lạnh buốt, môi tái nhợt vậy mà ai cũng nở nụ cười thỏa mãn. Bên ly cà phê nóng hổi tại cửa hàng lưu niệm nhìn xuống, dòng thác vẫn tuôn chảy không ngừng nghỉ. Tôi thầm cảm ơn mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho con người “món quà” Niagara Falls và cả nguồn năng lượng thủy điện gần như bất tận tạo ra từ ngọn thác mạnh mẽ này.

Bài và ảnh: Hoài Nam

Comments

Popular posts from this blog

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình

London – Xứ sở diễm lệ

Cổng làng – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ